Friday, May 28, 2010

TOP 10 THẦN TƯỢNG THIẾU NIÊN KINH ĐIỂN

TOP 10 THẦN TƯỢNG THIẾU NIÊN KINH ĐIỂN


Hiện nay, mỗi khi nhắc đến những cái tên Lindsay Lohan, Hilary Duff thì các thanh thiếu niên quan tâm đến điện ảnh đều không thể không biết đến họ. Bởi cả hai đều đang là những thần tượng phim thiếu niên thành công nhất và là những nữ hoàng "đương vị" trẻ tuổi nắm giữ trái tim của hàng triệu người hâm mộ tuổi teen trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khái niệm về Thần Tượng Thiếu Niên (Teen Idol) thật ra đã xuất hiện từ đầu những năm 50 của thế kỷ 20 với ý nghĩa "thần tượng thiếu niên là những người nổi tiếng nhận được sự hâm mộ và ca tụng từ một lượng lớn các khán giả là các thiếu niên (teenagers)". Vì vậy, hiển nhiên là cả Lohan lẫn Duff đều không phải là những thần tượng đầu tiên, và lại càng không phải là những thần tượng lớn nhất từng khuấy đảo màn ảnh của giới teen yêu phim từ trước đến nay. Vậy bây giờ, chúng ta hãy quay ngược trở về quá khứ để cùng chiêm ngưỡng lại 10 thần tượng phim thiếu niên lớn nhất mọi thời!


THẬP NIÊN 50: JAMES DEAN

Những năm đầu:

Tên khai sinh: James Byron Dean
Nick: Jimmy Dean

Sinh ngày 08/02/1931 tại Marion, Idiana
Mất ngày 30/09/1955 (24 tuổi) tại Cholame, California.

James Dean là con trai của một nha sĩ, ông Winton và bà Mildred Wilson Dean. Sau cái chết của người mẹ vào năm 1940 vì bệnh ung thư, James đươc chuyển về vùng Fairmount, Idiana sống với cô chú Winslow. Tại đây, Dean đã được học luật và kịch nghệ, song song bên cạnh với niềm đam mê đua xe và bóng rổ.

Sau khi tốt nghiệp trung học tháng 05/1949, Dean quay về California và nhập học tại trường ĐH Santa Monica, rồi sang Signma Nu. Sau cùng, Jimmy quyết định chuyển tới ĐH California tại Los Angeles (UCLA) để học tiếp về sân khấu. Đến năm 1951, James Dean bỏ học và thực sự bước chân vào con đường nghệ thuật.

Dean nổi tiếng như thế nào?

Khởi nghiệp từ năm 1951 bằng một vai diễn trong mẩu quảng cáo của Pepsi Cola, James Dean xuất hiện liên tục trong nhiều sêri phim truyền hình như: Kraft Television Theater, Studio One, Lux Video Theater, Danger… và đóng một vài vở kịch. Sau đó Dean tham gia tiếp vào một vài bộ phim nhỏ nhưng vẫn không gặt hái được thành công.

Đến năm 1955 thì vận may mới bắt đầu mỉm cười với James Dean khi anh được chọn vào vai diễn Cal Trask, một cậu con trai bơ vơ, nổi loạn trong bộ phim lừng danh East of Eden. Dean đã nhận được một đề cử của giải thưởng Viện Hàn Lâm (tên trước đây của giải Oscar) cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Đây không chỉ là đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh của Dean, mà còn là một trong năm đề cử trước- khi- chết đầu tiên trong lịch sử Hollywood (Dean là người duy nhất có thêm một đề cử nữa sau khi chết).

Sau bộ phim này, Jimmy gần như ngay lập tức tiến thẳng lên hàng ngũ siêu sao.

Tiếp theo đó, anh đóng vai Jim Stark trong bộ phim kinh điển Rebel Without a Cause (1955) cùng Natalie Wood. Và một lần nữa, hình tượng chàng trai trẻ ủ rũ, bất cần và nổi loạn của Jimmy càng được tô đậm trong lòng của các người hâm mộ thiếu niên. Bộ phim được trình chiếu một tháng sau cái chết của anh. Cũng từ đây, huyền thoại về James Dean đã thật sự bắt đầu !



James Dean cùng với Natalie Wood
trong Rebel Without A Cause

Bộ phim cuối cùng được công chiếu của Dean là Giant vào năm 1956, kết thúc chùm ba phim kinh điển của anh chàng “xấu tính lãng tử”. Nhân vật Jett của Dean vẫn là một phiên bản cũ của cả Cal Trask và Jim Stark: nóng nảy, hay gắt gỏng và đầy định kiến. Với bộ phim này, Jimmy Dean đã hoàn thành trọn vẹn hình tượng của chính mình và đi vào lịch sử như một trong những ngôi sao “khổng lồ” phá cách và đặc biệt nhất, tồn tại mãi cùng thời gian.

James Dean: Sinh ra để làm huyền thoại


Cho đến ngày hôm nay, James Dean vẫn là hình tượng vĩ đại nhất biểu trưng cho cả một thế hệ giới trẻ Mỹ. Không chỉ thế, Dean còn là một trong hai huyền thoại lớn nhất của chòm sao "Live Fast, Die Young, Leaving Good-looking Coprses" của Hollywood, bên cạnh người đẹp tóc vàng Marilyn Monroe. Một hình tượng văn hóa đúng nghĩa!

Xét một cách công bằng thì Dean không phải là một tài năng thượng hạng nhất mà lịch sử điện ảnh Hollywood từng có, và cũng không thiếu gì các nam tài tử sở hữu nét điển trai còn quyến rũ hơn cả Dean. Tuy nhiên, vẻ ngoài kiêu hãnh đầy nam tính đó, lối diễn xuất mới lạ đó đi cùng với một tâm hồn Kẻ-nổi-loạn-không-lý-do thực sự của James Dean… tất cả dường như đi liền cùng với thời đại của cả một thế hệ trẻ Mỹ đang vỡ mộng và khắc khoải trong lớp vỏ bọc ngoan ngoãn thường ngày. Và Dean chính là hình tượng đáng mơ ước của họ: khao khát phá vỡ mọi hình thức quy củ bên ngoài để được sống thật với những cảm giác đau thương, hụt hẫng của chính mình; được tự do uống rượu, đua xe, đánh nhau… và làm mọi trò rồ dại khác để được nếm trải những khía cạnh gai góc của cuộc đời thay vì cả ngày chỉ đóng vai một cô/cậu bé ngoan của bố mẹ và hết đến trường lại đi về nhà. Và phần sau dường như là một định mệnh: James Dean đã bất ngờ ra đi vào đúng thời điểm nhạy cảm nhất đối với mọi người.

Có thể nói (tuy có phần độc ác?!), hình tượng của anh, cùng với cái chết quá đúng thời điểm, Dean đã để lại sau lưng nỗi ám ảnh day dứt trong tâm trí giới trẻ, và để lại cả một huyền thoại mãi còn ở độ tuổi thanh xuân.

Ở các nhân vật mà Dean đã thể hiện luôn có một điều gì đó rất gần gũi với cuộc sống thật ngoài đời của anh: một thanh niên trẻ với niềm đam mê tốc độ, thích hút thuốc, có lối sống tự do, phóng túng, cô đơn và thiếu sự gần gũi với bố mẹ. Chính điều này đã làm cho các thanh thiếu niên dễ dàng cảm được hình tượng “thờ ơ, thô lỗ, khó gần, không-ai-hiểu-tôi, và đam mê cuộc sống thanh xuân của bản thân“ của James Dean. Các chàng trai thèm được trải nghiệm như Dean, và các cô gái thì mơ ước được cứu rỗi “con người tồi tệ” bên trong chàng trai trẻ này.

Nhưng điều khiến cho các thanh thiếu niên thật sự tôn thờ James Dean lại chính là ở thái độ bất cần và sự dũng cảm bộc lộ những nỗi đau bản ngã rất đặc trưng và muôn thuở của lứa tuổi mới lớn trước ngưỡng cửa bước vào đời. Họ cũng có những nỗi đau giống như Dean, giống như các nhân vật Cal, Jim, Jett mà anh thể hiện, nhưng họ lại không có khả năng bộc lộ nó ra một cách trọn vẹn và sâu sắc được như anh.

Hình tượng của James Dean chính là hình ảnh mới của giới trẻ trong tương lai. Thậm chí nó đã đi trước thời đại một bước, phản ánh trước cả những ước mơ biết khao khát đến cháy bỏng sự tự do nổi loạn và nhu cầu thể hiện cái Tôi của giới trẻ 20 năm sau đó. Và vì thế, James Dean đích thực là một anh hùng !

Tình trạng hiện tại:

- James Dean đã mất trong một tai nạn xe hơi tại Cholame, California vào tháng 09/1955 (24 tuổi). Đài tưởng niệm của anh được đặt gần ngay nơi tử nạn.

- Vẫn là một trong những thần tượng điện ảnh lớn nhất mọi thời. Là nguồn cảm hứng bất tận của nhiều bài hát, bài thơ, điện ảnh và tiểu thuyết.

- Sức hút của hình tượng James Dean được xem là một trong những nguyên nhân mở ra thời kỳ nổi loạn, xáo trộn và dễ đau đớn của thế hệ trẻ ngày nay.



THẬP NIÊN 60: SANDRA DEE

Vào đầu thập niên 60, khi Elvis Presley đang bốc lửa với điệu Rock 'n' Roll, Marlon Brandon và Marilyn Monroe đang mê hoặc màn bạc lớn thì Sandra Dee chính là nữ hoàng trẻ của giới khán giả teen. Khác hẳn với xu hướng ướt át, gợi tình của làng giải trí lúc bấy giờ, hình tượng của Sandra Dee hoàn toàn ngọt ngào, hơi bảo thủ, thật trong sáng và đi theo các giá trị cố hữu có từ trước về hình ảnh của một thiếu nữ teen chính hiệu.

Những năm đầu:

Tên khai sinh : Alexandra Cymboliak Zuck.
Sinh ngày 23/04/1944 tại Bayonne, New Jersey.

Ngay từ khi Alex còn rất nhỏ, mẹ cô đã luôn mơ ước có một ngày cô con gái nhỏ của bà sẽ nổi tiếng. Một vài nơi cung cấp dữ liệu cho biết Alex Zuck sinh vào năm 1942 và mẹ cô đã khai gian tuổi để con bà sớm có thể hoạt động nghệ thuật.

Ngay từ khi 5 tuổi, Alex đã là một người mẫu nhí chuyên nghiệp và đến năm 12, cô đã là một siêu mẫu. Bước sang tuổi 14, cô bắt đầu đóng phim và được đổi nghệ danh thành Sandra Dee.

Năm 1959, cô tham gia tất cả 5 bộ phim. Trong đó có bộ phim kinh điển Imitation of Life. Tuy nhiên, hai bộ phim nổi tiếng nhất của cô là A Summer Place và Gidget. Từ hai phim này, Sandra Dee trở thành thần tượng phim thiếu niên.

Bộ phim Gidget (1959)

Đây là một phim teen đầy màu sắc và sôi nổi, lấy bối cảnh ở bãi biển Mabuli với câu chuyện về một cuộc phiêu lưu tình ái của hai chàng trai và một cô gái đang ở tuổi mới lớn. Từ cuộc phiêu lưu trên những con sóng biển mùa hè, họ khám phá về những vấn đề giới tính nhạy cảm ở nhau và bắt đầu trưởng thành. Bộ phim là cả một sự ngọt ngào trong mắt của các thanh thiếu niên cuối thập niên 50 - đầu thập niên 60. Và nổi bật lên cả bộ phim là Sandra Dee, một cô gái tóc vàng xinh xắn và ngây thơ. Sandra Dee đóng vai cô bé có biệt danh Gidget với thân hình nhỏ nhắn, ít phát triển hơn các cô bạn đồng trang lứa, nhưng sôi nổi và quyến rũ.

Kề từ Gidget, Sandra Dee trở thành một hình mẫu lý tưởng trong mắt của các thanh thiếu niên lúc bấy giờ: một cô gái hoàn hảo, xinh đẹp, ngọt ngào, ngây thơ, tràn đầy sức sống, can đảm, thông minh nhưng cũng rất thích phiêu lưu, có đôi chút nổi loạn và cũng tò mò về giới tính như bao người cùng trang lứa.

Về sau này, Gidget được làm thêm nhiều phần tiếp theo nhưng Sandra không tham gia. Tuy nhiên, mỗi khi nghĩ đến Gidget và sự ngây thơ của cô, mọi người vẫn nghĩ đến Sandra Dee.

Sự nổi tiếng

Sau Gidget, Sandra tiếp tục xuất hiện trong hàng loạt các bộ phim teen ăn khách như A Summer Place (1959) , Portrait in Black (1960), Romanoff and Juliet (1961)... và hai phần trong sêri phim về nhân vật Tammy: Tammy Tell Me True (1961) và Tammy and The Doctor (1963).

Đến đầu những năm 60, Sandra là diễn viên teen có sức hút hàng đầu của Mỹ. Cô đóng phim và các thanh thiếu niên đi xem phim của cô. Cô xuất hiện trên các trang bìa tạp chí và dân teen đi mua chúng. Tên cô nằm trên các dòng tít và mọi người chăm chú đọc về tiểu sử và những mẩu chuyện về cô. Hình tượng của Dee diễn ra ngay cả ở ngoài đời: luôn hài hước, thân thiện, chăm chỉ và đáng yêu. Nét quyến rũ của Sandra khiến các chàng trai muốn hẹn hò với cô, còn các cô gái thì muốn trở thành Sandra Dee.

Tuy nhiên, vào năm 1961, Dee đã kết hôn với một trong những người đàn ông tuyệt vời nhất: ca sĩ/diễn viên Bobby Darin.


Cô còn là nguồn cảm hứng cho nhân vật nữ chính Sandy (do Olivia Newton-John diễn) trong bộ phim teen kinh điển Grease sau này. Bài hát trong bộ phim này: "Look at me, I'm Sandra Dee" có lời lẽ ca tụng hình tượng trong trắng và xinh đẹp của cô.

Tuột dốc

Ngay từ nhỏ, Sandra Dee đã không có bạn bè. Vì vậy gia đình đối với cô cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, vào năm 1967 cô ly hôn và bắt đầu trượt dốc. Chứng biếng ăn từ nhỏ của cô tái phát một cách trầm trọng (lúc này cô còn gầy hơn cả siêu mẫu Twiggy), Dee còn mắc thêm chứng nghiện rượu. Đến năm 1973, Darin qua đời do bệnh tim. Lúc này, Sandra Dee đã là một diễn viên trưởng thành nhưng không còn thành công như trước nữa.

Đến năm 1987, mẹ cô, người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời cô, cũng ra đi. Thêm vào đó, Sandra cũng thú nhận cô đã từng bị lạm dụng khi còn nhỏ. Kể từ đó, Sandra Dee biến mất khỏi màn bạc.

Tình trạng hiện nay:

- Sandra Dee đã qua đời ngày 20/02/2005 (61 tuổi) do chứng rối loạn chức năng thận.

- Năm 1998, cuộc đời của Sandra được tái hiện lại trên màn ảnh. Bộ phim có tựa Beyond The Sea của đạo diễn Kevin Spacey (gồm hai ứng cử viên Drew Barrymore và Johnny Depp). Sau, bộ phim được công chiếu và do Kate Bosworth, Kevin Spacey thủ diễn.



THẬP NIÊN 70: OLIVIA NEWTON-JOHN

Olivia Newton-John sinh ngày 26/09/1948 tại Cambridge, nước Anh trong một gia đình trí thức.

Những năm đầu:

Ở tuổi 15, Olivia Newton-John bắt đầu khởi nghiệp ca hát khi tham gia vào một nhóm nhạc nữ Úc Sol Four. Sau đó, Olivia lại tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại chương trình truyền hình Sing, Sing, Sing và được đưa trở về Anh. Newton-John lại có tên trong một nhóm nhạc nữ khác là Toomorow, nhưng nhóm đã tan rã ngay sau đó.

Mãi đến năm 1971 cô mới phát hành album đầu tiên “If Not For You” do chính Bob Dylan viết nhạc và trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới với nhiều bài hit lọt vào các bảng xếp hạng uy tín.



Olivia Newton-John trên bìa album

Ở tuổi 30, Olivia Newton-John mới trở thành một siêu sao khi cô đóng vai nữ chính Sandy trong bộ phim nhạc kịch kinh điển Grease (1978).

Bộ phim Grease (1978)

Bộ phim thực sự là tác phẩm điện ảnh thành công nhất vào năm 1978, và vẫn là tác phẩm được yêu thích cho đến ngày hôm nay.

Đây là bộ phim ca nhạc của đạo diễn Randal Kleise, dựa trên nền nhạc của Jim Jacobs và Warren Casey. Nội dung phim kể về chuyện tình của cô nữ sinh Sandy Olsson đang trong giai đoạn tập tành làm người lớn. Và từ một nữ sinh trong sáng, Sandy tập hút thuốc, mê mặc áo da và yêu vẻ hào nhoáng bên ngoài.

Hình tượng của Olivia đã thực sự biến chuyển qua bộ phim này: từ một ca sĩ dễ thương và còn đôi nét trẻ con, cô trở thành một ngôi sao cực kỳ cuốn hút và đầy gợi cảm. Với nền vũ đạo điêu luyện và giọng ca êm ái, Olivia chinh phục được sự âm mộ cuồng nhiệt từ giới trẻ, đặc biệt là giới thiếu niên mới lớn. Không chỉ thế, cô còn thể hiện được tài năng diễn xuất bẩm sinh tuyệt vời của mình khi hóa thân ngọt ngào vào vai của một cô gái mới lớn (trong khi cô đã 30 tuổi). Olivia được xem là sự lựa chọn hoàn hảo nhất, góp phần tạo nên thành công vang dội cho Grease.



Cảnh trong bộ phim Grease

Sau những gì đã đạt được từ Grease, Olivia tạm gác việc đóng phim và tập trung vào sự nghiệp ca hát của mình.

Sự nghiệp sau Grease

Olivia đã phát hành hàng chục album và đĩa đơn thành công, đoạt nhiều giải thưởng lớn như Grammy, People’s Choice, American Music Awards…

Năm 1979, cô nhận được đề cử Golden Globe (Quả Cầu Vàng) cho hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại Nhạc kịch và đoạt luôn giải thưởng của Viện Hàn Lâm cho Hopelessly Devoted To You

Nhận ngôi sao trên Đại Lộ Danh Vọng năm 1981. Và sự nghiệp ca hát, diễn xuất của cô vẫn kéo dài cho đến những năm gần đây.

Hiện nay cô đang làm gì?

- Từ sau album hát đôi năm 2002, Olivia đã tạm ngừng hoạt động nghệ thuật.

- Năm 2006, Olivia được tặng huân chương danh dự của Order of Australia vì những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc và điện ảnh, cũng như những cống hiến cho các hoạt động xã hội nhằm chống lại căn bệnh ung thư vú và bảo vệ môi trường.



THẬP NIÊN 80

Thời kỳ này được xem như là Thời Kỳ Vàng dành cho dòng phim thiếu niên của Hollywood. Không chỉ bùng nổ về mặt số lượng, mà về mặt chất lượng cũng được đảm bảo với vô số phim teen được liệt vào hàng kinh điển, được giới trẻ ưa chuộng cho đến tận ngày nay. Hiển nhiên là cũng thời kỳ này, Hollywood được sở hữu một số lượng lớn nhiều tài năng tuổi teen nhất so với các thời.

Lực lượng các thần tượng teen ngày càng đông đảo và chiếm một vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của dân teen không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Được thừa hưởng di sản kế thừa của thế hệ đàn anh, cùng với sức ảnh hưởng từ trào lưu muốn thể hiện cái Tôi cá tính và muốn bứt phá khỏi cuộc sống do người lớn sắp đặt đang ở giai đoạn đỉnh cao sục sôi trong tầng lớp thanh niên trẻ, các thần tượng teen này không chỉ có tài năng mà còn cực kỳ đa dạng về mặt phong cách, cá tính cũng như ngoại hình.

Thập niên 80 đóng góp vào bản danh sách Top 10 của chúng ta đến 5 gương mặt sáng giá (sắp xếp theo thứ tự thời gian):



MOLLY RINGWALD: NỮ HOÀNG TEEN THẬP NIÊN 80


Những năm đầu:


Molly Ringwald chào đời ngày 18/02/1968 tại vùng Roseville, California trong một gia đình có truyền thống yêu nghệ thuật.

Cô bắt đầu diễn kịch ở tuổi lên 5, và khi lên 6, Molly thu âm bài hát đầu tiên của mình trong album nhạc của nhóm nhạc mà bố cô là thành viên.

Từ trước năm 1980 trở lại, cô tham gia đóng nhiều bộ phim truyền hình như Diffrent Strokes, Little Darlings… và làm ca sĩ nhí cho hãng Disney.

Thần tượng tuổi teen

Molly Ringwald trở thành nữ hoàng trẻ tuổi trong lòng của dân teen Mỹ trong khoảng giữa thập niên 80 sau vai diễn đột phá của cô trong bộ phim teen kinh điển Sixteen Candles (1984).



Molly trong phim Sixteen Candles

Sau Sixteen Candles, Molly đóng vai “nàng công chúa” của trường trung học trong bộ phim trứ danh nhất trong sự nghiệp thần tượng teen của cô: The Breakfast Club (1985).

Tiếp theo thành công, Molly Ringwald liên tục xuất hiện trong hàng loạt các bộ phim teen khác như Pretty In Pink (1986), The Pick-up Artist (1987), Fresh Horses (1988) …


Đến cuối những năm 80, Ringwald đã là diễn viên teen thành công nhất tại Hollywood, bên cạnh hàng chục các ngôi sao nữ thiếu niên khác. Tên tuổi của cô được xuất hiện mỗi ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, và hình ảnh của Molly tràn ngập trong các tạp chí dành cho thiếu niên như Tiger Beat, Teen…

Phong cách của Molly Ringwald

Nếu so sánh Molly với hàng chục các ngôi sao trẻ đương thời khác thì Molly không phải là một cô gái xinh đẹp hay bốc lửa. Nhưng chính nét mặt lành lạnh, dễ gây tò mò cùng mái tóc đỏ rực đã khiến hình ảnh của cô trở thành điểm nhấn gây ấn tượng đặc biệt đến các teenfan, và là gương mặt nữ nổi bật giữa một rừng các cô bé tóc vàng, tóc nâu xinh xinh khác. Và các nhân vật của Molly cũng mang một phong cách rất khác lạ, đa phần là những cô gái có nội tâm phức tạp và khó hiểu đến mức… kỳ quặc!

Nét diễn mới lạ, cuốn hút đó của Molly được bắt gặp ngay từ bộ phim nổi danh đầu tiên của cô: Sixteen Candles khi cô đóng Samantha, một cô gái kì lạ nhưng đáng yêu, luôn cố chịu đựng những băn khoăn, khắc khoải của tuổi mới lớn. Và ngay lập tức, phong cách đó ám ảnh thiếu niên và ảnh hưởng mạnh đến nỗi các sêri phim truyền hình ăn khách lúc bấy giờ đều phảng phất nét lạ lùng của Molly.

Sau bước đột phá mới lạ từ Sixteen Candles, Molly liên tiếp tỏa sáng trong hai bộ phim teen kinh điển nữa: The Breakfast Club và Pretty in Pink. Điều này đã khiến cho Molly trở thành một sao teen vĩ đại.

Trong phim The Breakfast Club, Molly đóng vai Claire, một nữ sinh nổi tiếng, xinh đẹp và giàu có trong trường trung học. Cô bị kẹt lại trong một buổi cấm túc thứ bảy cùng với một đám học sinh mà cô chưa bao giờ muốn nói chuyện. Tuy nhiên cuối cùng mọi thứ đều trở nên cởi mở, và "cô công chúa" cũng thú nhận rằng cuộc sống của cô, cũng giống như mọi người, thật sự không hề hoàn hảo. Đây là một bộ phim giàu cảm xúc khiến dân teen mê mẩm và gần như họ thuộc nằm lòng tất cả những lời thoại từng nhân vật đã nói với nhau.

Còn trong Pretty In Pink, Molly lại đóng vai một thiếu nữ phải sống trong cuộc sống không dành cho cô, và cô yêu một chàng trai giàu có. Cả hai phải cùng nhau học cách vượt qua được những ranh giới của xã hội.

Sau chùm ba phim teen kinh điển, Molly vẫn tiếp tục đóng phim nhưng các bộ phim sau đó đều không thu hút được dư luận. Và tiếng tăm của Molly Ringwald bắt đầu bị lu mờ.

Hiện tại cô ấy đang làm gì?

- Năm 2001, Molly xuất hiện trong bộ phim Not Another Teen Movie.

- Hiện cô vẫn đang đóng kịch tại sân khấu Broadway.

THẬP NIÊN 80 (tiếp)

JOHN CUSACK

Tên thật: John Paul Cusack
Ngày sinh: 28/06/1966 tại Evanston, Illinois trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật.

Cùng với anh chị em của mình, John trở thành thành viên của sân khấu kịch Piven, Chicago từ khi còn rất nhỏ.

Nổi tiếng từ phim thiếu niên

John Cusack bắt đầu nổi tiếng từ giữa những năm 80 nhờ xuất hiện trong các bộ phim teen như: Better Of Death, The Sure Thing, và One Crazy Summer.

Tuy nhiên, chỉ đến khi tham gia vào hai bộ phim kinh điển Sixteen Candles (1984) và Stand By Me (1986), John mới thực sự trở thành thần tượng phim thiếu niên được nhiều người ái mộ.


Phim cuối cùng John đóng với tư cách là một thiếu niên lãng mạn: Say Anything (1989). Đây cũng có lẽ là phim được biết đến nhiều nhất của John.


Với gương mặt dễ mến và lối diễn nhẹ nhàng, tinh tế, có thể John không phải là Kẻ-đánh-cắp-trái-tim như James Dean, nhưng anh là một sao teen mà mọi người đều yêu thích.


Tình trạng hiện tại:

John chẳng đi đâu cả!!! Anh ấy vẫn là một sao lớn ở Hollywood và tham gia vào rất nhiều bộ phim tuyệt vời như: Being John Malkovich, High Fidelity … Một anh chàng may mắn!


COREY FELDMAN

Tên đầy đủ : Corey Scott Feldman
Ngày sinh : 16/06/1971
Nơi sinh : Chatsworth, California.

Sơ lược những năm đầu

Feldman là con thứ hai trong một gia đình nghệ thuật và cậu bé khởi nghiệp từ rất sớm, khi chỉ mới 3 tuổi.

Feldman xuất hiện lần đầu trong một quảng cáo của McDonald. Sau đó là những bộ phim điện ảnh đầu tiên: Time After Time, The Fox And the Hound, Friday the 13th: The Final Chapter ... Đến năm 13 tuổi, Feldman trở thành thần tượng của giới trẻ khi đóng vai chính trong bộ phim nổi danh Gremlins (1984) bên cạnh nữ hoàng teen xinh đẹp cùng thời, Phoebe Cates.


Chặng đường đến "The Two Coreys"

Sau danh tiếng của Gremlins, Corey Feldman tham gia tiếp vào một trong hai vai chính của bộ phim phiêu lưu mạo hiểm thiếu niên The Goonies (1985). Đây là bộ phim thứ hai được liệt vào hạng kinh điển trong gia tài sự nghiệp của cậu bé.

Sang đến năm sau, Feldman lại đạt thêm một cú "hit" nữa với vai diễn cậu bé gàn dở Teddy Duchamp trong bộ phim kinh điển thứ ba: Stand By Me (1986), bên cạnh hai thần tượng thiếu niên khác là River Phoenix và Wil Wheaton.

Dường như vận may lẫn tài năng của Corey Feldman thực sự đang trên đà nở rộ nhất khi chỉ 10 tháng sau đó, bộ phim kinh điển thứ tư của Feldman ra mắt khán giả: The Lost Boys (1987).

Bộ phim tuyệt vời này kể về câu chuyện hai thiếu niên chuyên đi lùng bắt ma cà rồng. Và cũng từ đây, Corey Feldman có dịp hợp tác lần đầu tiên với Corey Haim, cũng là một trong những tài năng tuổi teen lớn nhất của thập niên 80. "Bộ sậu" này ăn ý đến nỗi ngay sau The Lost Boys, họ lại tiếp tục bắt tay trong nhiều dự án phim thiếu niên cỡ lớn khác, và chính thức được công chúng biết đến dưới cái tên chung: "The Two Coreys".

Feldman được người hâm mộ đặt cho cái biệt danh đáng yêu “The Cute Corey” để nhằm phân biệt cậu với Corey Haim.



COREY HAIM

Tên đầy đủ : Corey Iam Haim
Ngày sinh : 23/12/1971
Nơi sinh : Toronto, Ontario, Canada.

Trước khi thành danh

Thuở thiếu thời, Corey Haim không có hứng thú với công việc đóng phim. Tuy nhiên, bà Haim lại luôn khuyến khích con trai mình tham gia vào các khóa học diễn xuất với hy vọng điều đó sẽ giúp khắc phục được tính nhút nhát của cậu. Và từ những lớp học đó cùng sự ảnh hưởng của người chị gái, Corey Haim bắt đầu quan tâm đến môn nghệ thuật thứ bảy này.

Haim thực sự bước chân vào nghiệp điện ảnh từ sêri phim truyền hình ăn khách của Canada: The Edison Twins, kéo dài từ năm 1982 đến 1986.

Năm 1984, Haim đóng bộ phim điện ảnh đầu tiên Firstborn, và tham gia đóng các vai nhỏ trong hai phim Secret Admirer, Murphy’s Romance năm 1985.


Trở thành “The Other Corey”

Cũng trong năm 1985, Haim bắt đầu tạo dựng được tên tuổi từ vai chính đầu tiên trong bộ phim của Stephen King: Silver Bullet. Trong phim, Corey Haim đóng một cậu bé bị bại liệt, bên cạnh diễn viên Gary Busey. Sau đó, trong phim truyền hình A Time To Live, Haim được đánh giá tốt, và đã nhận được nhiều giải thưởng cho cả hai vai diễn kể trên.

Cú đột phá của Corey Haim là vào năm 1986, với vai trò là ngôi sao chính của bộ phim nổi tiếng Lucas bên cạnh Kerri Green , Winona Ryder… Diễn xuất của Haim được đánh giá cao, và nhận về nhiều lời khen ngợi của giới chuyên môn, đặc biệt là của nhà phê bình lừng danh Roger Ebert.

Đến năm 1987, Corey Haim trở thành một siêu sao tuổi teen với vai diễn trong “hit” The Lost Boys của đạo diễn Joel Schumacher. Đây không chỉ là một vai diễn đáng nhớ đối với khán giả trẻ Mỹ, mà nhờ vậy, Haim còn được gặp mặt người cộng sự quan trọng trong suốt quãng thời gian sự nghiệp còn lại của mình: diễn viên Corey Feldman.

Sau The Lost Boys, Haim là một phần trong bộ đôi vàng "The Two Coreys" và ngày càng trở nên nổi tiếng.


Bộ đôi vàng: "The Two Coreys"

Được “thành lập” từ năm 1987, "The Two Coreys" là bộ đôi thần tượng thiếu niên đáng nhớ nhất trong suốt giai đoạn nửa cuối thập niên 80 tại Hollywood. Không chỉ đơn thuần là sự kết hợp giữa hai thần tượng trẻ của giới teen mà "The Two Coreys" còn thật sự là một hiện tượng trong đời sống tinh thần của các thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Tại thời kỳ đỉnh cao, bộ đôi này là nguyên nhân của chứng “cuồng Corey” (Corey Mania) xảy ra trong đại bộ phận giới trẻ nước Mỹ.

Tiếp theo thành công của The Lost Boys (1987), hai ngôi sao có cùng tên Corey này lại cùng nhau góp phần tạo nên thành công và tiếng vang đáng kể cho hai phim teen nữa là License To Drive (1988), và Dream A Little Dream (1989). Đến lúc này thì một người khi đã nhắc đến chàng Corey này thì không thể không nghĩ đến chàng Corey còn lại.

Hình tượng của "The Two Coreys"



Trong phim The Lost Boys



Trong phim Dream A Little Dream

Trong khoảng 4 năm cuối thập niên 80, “những đứa trẻ chuyên gây rắc rối” này gần như đã trở thành một thể thống nhất: Họ đóng phim cùng nhau, xuất hiện trên thảm đỏ và trước ánh đèn flash cùng nhau, họ cùng trả lời phỏng vấn trên tạp chí và thậm chí đơn giản chỉ dự một buổi tiệc nhỏ, hai Corey cũng bước song song với nhau… Và mỗi lần như thế thì đám đông không thể cưỡng lại sức hút của hai nhân vật này, ai nấy đều phải quay lại ngắm nhìn và bàn tán.

Lẽ đương nhiên là khi tách riêng ra, cả Haim lẫn Feldman đều là những thần tượng thiếu niên lớn, có sự nghiệp và phong cách hoàn toàn độc lập, không hề lệ thuộc vào người còn lại. Thế nhưng khi cần, cả hai chỉ việc đứng sát lại bên nhau, và ngay lập tức, người hâm mộ trở nên… cuồng dại!!! Công chúng yêu cái hình tượng hoàn hảo mà cả hai Corey đã góp phần dựng nên: một hình ảnh trọn vẹn biểu trưng cho khát khao mới trong lối sống của một thế hệ teen mới: khao khát được thể hiện cái Tôi độc đáo của mình ngay chính giữa đám đông.

Nếu như hình ảnh của Corey Haim thể hiện cho khía cạnh tăm tối hơn trong khát khao này với vẻ ngoài nổi loạn, ngạo nghễ và gương mặt thường ngước cao lên đầy kiêu hãnh, thì Corey Feldman lại mang một hình ảnh gần gũi với chất teen hơn với tính cách ham vui, lối ứng xử khoa trương, thích ăn mặc màu mè, chải chuốt, vẻ mặt láu lỉnh và thích chọc ghẹo mọi người.

Lối thể hiện này không những đánh mạnh vào sở thích của các teen, mà còn phù hợp với tính cách và cuộc sống ngoài đời của hai Corey.

Không còn phải nghi ngờ gì nữa! "The Two Coreys" trong những năm cuối thập niên 80 đã tự tạo dựng được cho họ cả một đế chế!!!

Tuy nhiên, “đế chế” "The Two Coreys" bất ngờ bị sụp đổ vào những năm đầu thập niên 90 khi cả hai tách riêng ra để theo đuổi sự nghiệp riêng. Tiếp theo đó là một loạt scandals: Corey Feldman bị bắt vì tàng trữ ma túy, còn Corey Haim nghiện ngập đến nỗi không còn khả năng tập trung cho sự nghiệp và phải vào trại cai nghiện.

Hiện tại họ đang làm gì?

- Cả hai đều đã phục hồi hoàn toàn.

- Corey Feldman hiện là diễn viên kịch, tham gia một số bộ phim tại Hollywood và là cộng tác viên với các chương trình truyền hình.

- Corey Haim tuyên bố phá sản năm 1997, hiện anh đang có một số dự án để trở lại Hollywood.

- Cuối năm 2006, "The Two Coreys" lại tái hợp và thực hiện một show truyền hình chung có tên gọi là The Coreys.

THẬP NIÊN 80 (tiếp)


RIVER PHOENIX

Không chỉ là một thần tượng thiếu niên lớn, River Phoenix còn được xem là một trong những diễn viên tài năng nhất thế hệ X (những người sinh trong thập niên 70) của Hollywood.

Tên khai sinh : River Jude Bottom
Nick : Riv, Rio
Ngày sinh : 23/08/1970
Nơi sinh : Madras, Oregon.

Một câu chuyện như phim

River Bottom là người anh cả trong một gia đình gồm năm anh em có cái tên rất thiên nhiên : River, Rain, Joaquin, Liberty và Summer. Bố mẹ họ là ông John Bottom và bà Arlyn Dunetz, một cặp vợ chồng có lối sống đặc trưng của dân hippie trong thập niên 60 dù họ chưa bao giờ chính thức thừa nhận. Gia đình Bottom là thành viên của một tổ chức tôn giáo khá tai tiếng có tên Children of God, và họ sống du mục khắp vùng châu Mỹ La-tin vào đầu thập niên 70. Vì thế, ngay từ nhỏ, cậu bé River không đến trường, mà chủ yếu học về âm nhạc. Ở tuổi lên 5, River chơi nhạc trên đường phố để kiếm sống cùng cô em gái Rain. Đến năm 1977, muốn thoát khỏi đói nghèo, gia đình Bottom rời bỏ Children of God và quay về Mỹ. Họ đổi họ Bottom thành Phoenix, với ngụ ý hướng về một cuộc sống mới.

Tin tưởng vào tài năng của các con, ông bà Phoenix khuyến khích cả năm người con mình đi theo con đường nghệ thuật. Và cậu bé River Phoenix trở thành trụ cột kinh tế của gia đình ở tuổi 14.

Năm 1982, River bắt đầu tham gia vào một sêri truyền hình có tựa Seven Brides For Seven Brothers.

Đến năm 1985, River có bộ phim điện ảnh đầu tiên Explores, đóng chung với Ethan Hawke, lúc này cũng là một diễn viên nhí.

Chỉ một năm sau đó, tên tuổi River Phoenix vụt chói sáng với vai diễn Chris Chambers trong bộ phim kinh điển Stand By Me (1986).

Ngôi sao thiếu niên tài năng và cuốn hút

Stand By Me (1986) thực sự là một quả bom vào mùa hè năm 1986. Nó không chỉ là một trong những bộ phim thành công nhất của đạo diễn Rob Reiner chuyển thể từ truyện The Body của Stephen King, mà còn là một trong những phim kinh điển được cả giới teen lẫn người trưởng thành yêu thích cho đến tận ngày nay.

Bộ phim là bệ phóng cho hàng loạt các ngôi sao teen đương thời. Tuy nhiên, River Phoenix mới là ngôi sao sáng nhất! Nhân vật Chris Chambers đã nhận được lời tán thưởng nhiệt liệt từ hai nhà phê bình Roger Ebert và Gene Siskel.



Nhân vật Chris Chambers trong Stand By Me

Tiếp theo Stand By Me, River Phoenix xuất hiện trong bộ phim The Mosquito Coast (1986) bên cạnh siêu sao Harrison Ford. Trong phim, River đóng vai Charlie, người con cả có ảnh hưởng lớn đến nhân vật Allie Fox của Harrison.

Tỏ ra không hề kém cạnh ngôi sao kiện tướng này, River đã trình diễn khả năng diễn xuất giàu biểu cảm và mạnh mẽ. Sức cuốn hút của cậu bé 16 tuổi khiến siêu sao ca nhạc người Brazil Milton Nascimento sau khi xem phim đã phải thốt lên: “Chúa ơi! Đây đâu phải là diễn viên! Cậu bé chính là tinh thần, hay một cái gì đó…” (“God ! This is not an actor ! He’s the spirit, or something …”). Ngay lập tức, Nascimento viết một bài hát có tựa đề “River Phoenix” để dành tặng cho cậu bé đặc biệt này.

Sau thành công của hai bộ phim đậm tính nghệ thuật, River bắt đầu tham gia vào hai bộ phim teen ăn khách: A Night in The Life of Jimmy Reardon (1988) và Little Nikita (1988).



Trong phim Little Nikita

Cùng năm 1988, bên cạnh hai phim teen trên, River Phoenix cũng xuất hiện trong tác phẩm điện ảnh Running on Empty (1988). Và lần đầu tiên, tài năng của River được giới chuyên môn chính thức công nhận khi cậu nhận được một đề cử Oscar và một đề cử Quả Cầu Vàng cho hạng mục Nam Diễn Viên Phụ Xuất Sắc Nhất.

Năm 1989, River lại gây tiếng vang trong giới trẻ khi nhận vai Indiana thời niên thiếu trong phần 3 của loạt phim về Indiana Jones: Indiana Jones And The Last Crusade (1989). Vai diễn chỉ kéo dài trong 10 phút đầu phim nhưng được mọi người khen ngợi. Chính Harrison Ford đã đề cử River cho vai này.

Bước sang tuổi trưởng thành, River vẫn thăng tiến nhanh chóng tại Hollywood. Đặc biệt phải kể đến vai diễn Mike Waters trong bộ phim của Gus Van Sant My Own Private Idaho (1991) - Cúp Volpi vàng cho Nam Diễn Viên Chính Xuất Sắc Nhất tại liên hoan phim Venice.

Ở tuổi 21, River Phoenix đã là một trong những diễn viên trẻ được trả cát-sê cao nhất tại Hollywood

Ngôi sao trong lòng mọi người

Ở River Phoenix luôn có một phẩm chất nào đó thật đặc biệt khiến cho mọi người phải quan tâm. Một trong những điều đặc biệt đó chính là tâm hồn và tinh thần của cậu bé.

Tự nguyện trở thành người ăn chay trường từ năm lên 5 (việc ăn chay lúc này chưa phổ biến), River luôn khẳng định niềm tin về suy nghĩ giết -thịt- động -vật- là -sai và cuộc- sống- không- áo- lông của mình. Bước vào tuổi thiếu niên, River đã trở thành một nhà hoạt động bảo vệ cho quyền lợi động vật nổi tiếng.

Với vẻ ngoài khá rụt rè, nhạy cảm và hay không được thoải mái trước đám đông, nhưng mỗi khi bước lên đài diễn thuyết hay trả lời trước các phương tiện truyền thông về vấn đề môi trường, River lại trở nên quyết đoán và sắc sảo đến bất ngờ. Những cách nhìn mới lạ và suy nghĩ của cậu thiếu niên này về cuộc sống xung quanh đã khiến cho nhiều người ngưỡng mộ, và không ít người phải giật mình nhìn lại mình.

Sức truyền cảm hứng của River Phoenix mạnh đến nỗi tạo thành một trào lưu tự nguyện trở thành người ăn chay trường trong cộng đồng giới trẻ và tác động đến cả những người trưởng thành. Mọi người đều yêu quý hình ảnh của River, và gọi chàng diễn viên là Vị cứu tinh tuổi teen (The Teen Messiah). Còn các bậc phụ huynh thì bắt đầu đặt tên cho con, cháu họ theo tên River.

Đã từng có một thời, và mãi đến nay, vị trí của River Phoenix trong lòng công chúng Mỹ còn lớn hơn cả một siêu sao thiếu niên.

Điểm tối trong ánh sáng

Tuy có hình tượng cực kỳ trong sáng và hoàn hảo, nhưng bên trong Phoenix lại là một tâm hồn phá cách và hay bị dằn vặt đau khổ bởi quá khứ và hiện tại, giữa cái Tôi và cuộc sống tại Hollywood. Và mọi người, lúc đương thời, cũng đã bắt gặp một bóng dáng "rất James Dean" đấy trong con người trẻ tuổi. Tuy nhiên, ít ai có thể ngờ được rốt cuộc, River Phoenix cũng có một kết thúc bi thảm giống như Dean ...

Tình trạng hiện tại

- River Phoenix bất ngờ qua đời vào ngày 31/10/1993 (23 tuổi) do dùng ma túy quá liều. Đây là một trong 5 cái chết được thương tiếc nhất bên cạnh sự ra đi của Rudolph Valentino, Bruce Lee, Marilyn Monroe và James Dean.

- Vai diễn Lestat trong Interview with a Vampire (1994) được nhà văn Anne Rice viết dành cho River, nhưng sau do Tom Cruise thể hiện. Ngoài ra, vai diễn đã ký hợp đồng của River trong Basketball Diaries (1995) sau được giao lại cho Leonardo Dicaprio.


THẬP NIÊN 90

MATTHEW BRODERICK

Matthew sinh ngày 21/03/1962 tại New York, USA.

Cha là diễn viên James Broderick, còn mẹ là bà Patricia Broderick, một nhà biên kịch khiêm họa sĩ.

Matthew bước lên sân khấu trình diễn lần đầu tiên vào năm 17 tuổi, trong vở On Valentine's Day của cha anh.

Vào năm 1983, Broderick đạt được thành công lớn đầu tiên trong đời với vai diễn cậu hacker trẻ trong bộ phim Wargames. Và Matthew trở thành thần tượng của giới trẻ Mỹ từ vai chính của bộ phim teen kinh điển Ferris Bueller's Day Off (1986).


Bộ phim "Ferris Bueller's Day Off" (1986)

Hình ảnh chàng Ferris Bueller của Matthew Broderick trong mắt các teenfan thật sự tuyệt vời trong những ngày này: duyên dáng, lôi cuốn hấp dẫn, láu cá và có tài xoay sở.


Ferris Bueller's Day Off kể về câu chuyện của một ngày đẹp trời, khi cậu học sinh khôn ranh nhất trường Ferris Bueller quyết định sẽ "làm" một ngày nghỉ bệnh thứ 9 trong học kỳ này của mình. Và sau khi đánh lừa được các bậc phụ huynh, Ferris tập hợp cô bạn gái Sloane và cậu bạn thân Cameron để cùng tận hưởng một ngày nghỉ đúng nghĩa, vi vu xuống khu thương mại ở Chicago. Cả một chuỗi kịch tính tiếp theo là sự đấu trí giữa cái đầu láu lỉnh, tinh khôn 'dài hạn' của Ferris với bà chị gái Jeanie, cùng ông thầy hiệu trưởng Edward Rooney, những người đang quyết tâm lật tẩy anh chàng.

Bộ phim chứa đầy những thủ thuật xảo hoạt đậm chất teen, nhưng vô hại và vui nhộn của chàng Ferris đã khiến cho các teen ngất ngây và ngưỡng mộ. Và Matthew, người biết cách diễn một Ferris hoàn hảo, đương nhiên sau đó cũng được họ đối xử như một Ferris Bueller ngoài đời thật!

Sự nghiệp sau "Ferris Bueller's Day Off "

Sau Ferris, anh lại tiếp tục tham gia vào các phim điện ảnh có tiếng như Project X (1987) cùng với Helen Hunt và Addicted To Love (1997) với Meg Ryan. Matthew cũng chính là người lồng tiếng cho chú sư tử Simba nổi tiếng của bộ phim hoạt hình kinh điển do hãng Walt Disney sản xuất: The Lion King (1994).

Tuy nhiên, sau những thành công đó, Broderick lại tham gia vào những bộ phim không mấy tiếng tăm như Ladyhawke, Family Business, The Freshman, The Cable Guy, Out On A Limb, The Night We Never Met ...

Bộ phim thành công về mặt thương mại gần đây của Matthew Broderick là Gozilla (1998), và Election (1999) với Reese Witherspoon.

Vào năm 1995, Matthew quay trở lại sân khấu kịch với tác phẩm nổi tiếng How To Succeed In Business Without Really Trying. Và đến năm 1996 thì bắt đầu được biết đến với vai trò một đạo diễn, nhưng không mấy thành công.

Tình trạng hiện nay:

- Nhận ngôi sao trên Đại lộ Danh Vọng vào tháng 01/2006.

- Hiện là chồng của ngôi sao trong Sex And The City, Sarah Jessica Parker.

- Matthew hiện vẫn đóng phim ổn định tại Hollywood.


CLAIRE DANES

Tên thật : Claire Catherine Danes.
Sinh ngày 12/07/1979 tại Manhattan, New York.

Claire Danes sinh ra trong một gia đình bình thường tại Mỹ. Sau hai năm học tại đại học Yale chuyên ngành tâm lý học, Claire Danes từ bỏ để tập trung vào sự nghiệp điện ảnh của mình.

Cô công chúa teen của thập niên 90

Trong khi trào lưu nhạc teenpop đang hoành hành trong đời sống giới trẻ vào những năm 90 với nhiều đại diện lớn, mà điển hình là hai cô công chúa pop tóc vàng Britney Spears và Christina Aguilera, thì Claire Danes chính là nàng công chúa kiều diễm trong lòng của những thiếu niên mê điện ảnh.



Danes bắt đầu gây được sự chú ý với vai diễn Beth nhỏ, cô con gái nội tâm thứ ba của gia đình March, trong bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng cùng tên The Little Women (1994) bên cạnh Susan Sarandon, Winona Ryder, Christian Bale …

Danes nổi tiếng nhất là với vai diễn Angela Chase trong sêri truyền hình cực kỳ thành công My So-Called Life (1994).

Đây cũng là sêri phim truyền hình dành cho lứa tuổi teen gây được sự chú ý và ca ngợi nhiều nhất của thập niên 90, khi nó đề cập đến những vấn đề nhạy cảm trong góc khuất cuộc sống của một thanh niên Mỹ. Bởi đằng sau cuộc sống tưởng như vô lo, trong sáng và rộng mở đó là những vấn đề xoay quanh cuộc khủng hoảng tinh thần của lứa tuổi giàu tò mò, hay mộng tưởng, nhưng lại non nớt và dễ gục ngã này.

Diễn xuất tinh tế và đầy dằn xé nội tâm của Claire Danes đã khiến Angela Chase trở thành một hình mẫu của những khắc khoải đau đớn của giới trẻ.

Cô giành được giải Quả Cầu vàng và nhận được một đề cử Emmy cho chính vai diễn này.



Trong vai Angela Chase "My So-Called Life"

Gương mặt xinh xắn, dễ yêu cùng với lối diễn phảng phất nét cổ điển của Claire Danes sau đó khiến cô là một nàng Juliet hoàn hảo trong bộ phim từ kịch bản của William Shakespeare Romeo+Juliet (1996) của đạo diễn Baz Luhrmann, bên cạnh Romeo điển trai của Leonardo Dicaprio. Từ đây, cô trở thành một ngôi sao lớn và là Juliet trong lòng của mọi chàng trai Mỹ.

Sang năm 1999, Claire có vai diễn hoạt hình đầu tiên khi cô tham gia lồng tiếng cho bản tiếng Anh bộ phim hoạt hình Princess Mononoke nổi tiếng của Nhật.

Cô ấy hiện đang làm gì?

Có thể hiện giờ Claire Danes không còn là một nữ hoàng teen nữa, nhưng sự nghiệp của cô vẫn trên đà phát triển. Cô xuất hiện trong các phim nổi bật hiện nay như Brokedown Palace (1999), The Hours (2002), Terminator 3 : The Rise Of Machines (2003), Shopgirl (2005), Stardust ... bên cạnh những hoạt động trên sân khấu Broadway.

No comments:

Post a Comment