10 Bộ Phim Hoạt Hình Hay Nhất
10 bộ phim hoạt hình “đăng quang” lần này đều là những ứng cử viên xuất sắc, từng giành rất nhiều giải thưởng và đề cử quan trọng, là những bộ phim yêu thích của hàng triệu trẻ nhỏ trên thế giới.
Trong danh sách 10 phim thì có đến 8 sản phẩm là của Walt Disney và Pixar phối hợp sản xuất, điều này chứng tỏ các bộ phim hoạt hình danh tiếng của Disney luôn có sức hấp dẫn rất lớn không chỉ với trẻ em mà còn với cả những khán giả lớn tuổi.
Và những bộ phim hoạt hình hấp dẫn nhất do khán giả bình chọn là:
1. Shrek (2001) - Chàng khổng lồ xanh vui tính
Đứng ở vị trí “quán quân” là Chàng khổng lồ xanh vui tính Shrek trong bộ phim cùng tên của hãng DreamWorks Animation từng đoạt giải Oscar cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2002.
Thu về hơn 270 triệu USD tiền vé chỉ tính riêng tại Mỹ, Shrek đã làm nên bước đột phá trong thể loại hoạt hình 3D: nhiều nhân vật bước ra từ những câu chuyện cổ tích như Công chúa ngủ trong rừng, Hoàng tử ếch, Cô bé lọ lem, Nàng bạch tuyết v.v… đều được tái hiện một cách thông minh, dí dỏm, sinh động và hài hước trong Shrek.
Shrek không chỉ là phim hoạt hình dành cho trẻ nhỏ, ngay cả những người lớn tuổi cũng bị thu hút và phải bật cười với những tình tiết hài hước và vui nhộn trong phim. Một gã khổng lồ xanh xấu xí nhưng tốt bụng và vui tính Shrek, cô công chúa xinh đẹp, kiều diễm hay mơ mộng Fiona vì tình yêu với Shrek mà chịu biến mình thành xấu xí v.v…
Shrek mang đến cái nhìn hài hước về những câu chuyện cổ tích chúng ta đã quá quen thuộc từ thủa nhỏ, nhưng thông điệp từ Shrek vẫn là tình yêu, tình bạn, sự bao dung, và chiến thắng không phải thuộc về “hoàng tử” mà là thuộc về cái thiện!
Trên đà thành công của Shrek, DreamWorks đã cho ra mắt thêm 2 sequel cũng ăn khách không kém Shrek vào năm 2004 và 2007. Doanh thu của cả 3 phần lên đến hơn 1 triệu USD. Một thắng lợi vẻ vang của DreamWorks và Shrek, thậm chí kế hoạch cho Shrek 4 đã được khởi động vào đầu năm 2010.
2. The Lion King (1994) - Vua sư tử
Bộ phim với soundtrack kinh điển Can You Feel The Love Tonight của danh ca Elton John về đích ở vị trí thứ 2, câu chuyện về Vua sư tử Simba cùng cuộc phiêu lưu trong “vòng tròn cuộc sống” đã thực sự chinh phục khán giả nhỏ tuổi!
Simba, một chú sư tử con lớn lên dưới sự che chở của cha mẹ trong vùng đồng cỏ rộng lớn Savana. Chứng kiến cái chết của cha, bị người chú ruột xúi bẩy… Simba đoạn tuyệt với quá khứ để sống cuộc sống an nhàn mà “quên đi mình là ai” tại Hakunamatata cùng với Timon và Pumbaa.
Cho đến khi cậu gặp lại Nala, người bạn thời thơ ấu, chứng kiến cảnh lầm than nơi quê hương mình đang bị Scar cùng bọn linh cẩu dày xéo, Simba đã trở lại đối mặt với quá khứ, chiến đấu đòi lại ngôi vị Chúa sơn lâm để “chứng minh mình là ai”…
The Lion King là một xâu chuỗi những bài học ý nghĩa và bổ ích… Hình ảnh sư tử Simba với lòng dũng cảm đã vượt qua nỗi sợ hãi mà đương đầu với thử thách. Những người bạn luôn sát cánh cùng chiến đấu bên nhau chống lại cái ác, giành lấy hòa bình cho Savana…
The Lion King với con số doanh thu 312 triệu USD đã hoàn toàn chinh phục người xem bởi nội dung hấp dẫn và hình ảnh tuyệt vời. Những diễn viên từng lồng tiếng trong phim như Matthew Broderick (Simba trưởng thành), Jeremy Irons (Scar), Rowan Atkinson (vẹt Zazu) v.v… đã “sống” rất thật với vai diễn của mình… họ góp phần “thổii hồn” vào cho từng nhân vật, biến chúng trở nên gần gũi và sống động hơn bao giờ hết.
The Lion King đoạt 2 giải Oscar năm 1995, trong đó có 1 giải cho Elton John với Can You Feel The Love Tonight. Ngoài ra, Vua sư tử còn “nổi tiếng” bởi vụ kiện ầm ĩ với những tác gia Nhật Bản khi họ cho rằng hình tượng Vua sư tử là nguyên gốc xuất phát từ Nhật.
The Lion King còn 2 sequel khác “ăn theo” là The Lion King II: The Simba’s Pride và The Lion King 1 ½: Hakuna Matata.
3. Finding Nemo (2003) - Đi tìm Nemo
Cùng đoạt giải Oscar cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất giống như Shrek từng làm (đoạt giải năm 2002), thế nhưng Finding Nemo - bộ phim của Pixar và Walt Disney phải chịu xếp ở vị trứ thứ 3.
Đi tìm Nemo thu về 340 triệu USD và là một trong những DVD bán chạy nhất (40 triệu bản được bán ra năm 2006) tại Anh, Mỹ và Úc.
Đi tìm Nemo cũng là một phim hoạt hình 3D, câu chuyện mở ra trước mắt là cả một thế giới đại dương bao la rộng lớn, trong đó có cá hề bé nhỏ Nemo, nở ra từ quả trứng duy nhất còn sót lại.
Đam mê khám phá thế giới quanh mình, Nemo đã không nghe lời bố Marlin, cậu bị một tàu đánh cá bắt được và đem về Australia nhốt vào trong một bể cá cảnh. Ở đó, Nemo nhận ra sự quý giá của tự do, học được nhiều điều từ những con cá khác trong bể đang khao khát tự do biển cả.
Finding Nemo mang tính giáo dục sâu sắc: tình cảm cha con, sự dũng cảm của chú cá bé nhỏ Nemo, cuộc hành trình dài tìm con trai của cá bố Marlin. Cuộc hành trình khám phá thế giới được nhân cách hóa một cách sinh động, nhiều màu sắc và rất gần gũi.
Trong dàn diễn viên lồng tiếng, phải kể đến sự góp mặt của MC nổi tiếng Ellen DeGeneres, với giọng điệu hài hước quen thuộc, Ellen đã làm nhân vật cô cá Dory trở nên ấn tượng và mang một phong cách rất “Ellen” mà khán giả thường thấy trong những show truyền hình của cô.
4. Toy Story (1995) - Câu chuyện đồ chơi
Cao bồi Woody và anh bạn Buzz Lightyear xếp ở vị trí thứ 4, thêm một “sản phẩm” của Pixar và Walt Disney hợp tác có mặt trong bảng xếp hạng lần này!
Câu chuyện đồ chơi cũng là một “chuyển thể” theo mô tuýp nhân cách hóa nhân vật. Cao bồi Woody là “đồ chơi cưng” của cậu bé Andy, một ngày anh chàng Buzz xuất hiện và “đe dọa” chiếm vị trí của Woody. “Cuộc chiến” giữa họ xảy ra, cho đến khi Buzz vô tình bị rơi khỏi cửa sổ và Woody bị “kết tội” là “sát hại” Buzz…
Những hành động, suy nghĩ, cảm xúc chân thật rất “người” là những gì khán giả nhỏ tuổi có thể cảm thấy khi xem Toy Story.
Với cốt truyện đơn giản, hình vẽ 3D trau chuốt, tỉ mỉ, nhiều màu sắc, Toy Story có được 3 đề cử giải Oscar cho Nhạc phim xuất sắc nhất, Nhạc nền xuất sắc nhất và Kịch bản xuất sắc nhất. Câu chuyện đồ chơi còn nằm trong danh sách 10 phim hoạt hình hay nhất của Disney và là 1 trong 2 phim hoạt hình duy nhất có tên trong danh sách 100 phim hay nhất mọi thời đại (phim còn lại là Snow White and the Seven Dwarf).
Tham gia lồng tiếng là Nam diễn viên nổi tiếng Tom Hanks vai Woody và cây hài Tim Allen vai Buzz. Năm 1999, cả hai trở lại với khán giả trong Toy Story 2, phim thu về gấp đôi doanh thu so với phần 1.
5. Aladdin (1992) - Aladdin và Cây đèn thần
Là một trong những mẩu chuyện nổi tiếng của Ngàn lẻ một đêm, Aladdin đã được Walt Disney “hoạt hình” hóa và trở thành một trong những phim hoạt hình xuất sắc trong “kho” phim đồ sộ của đại gia Walt Disney.
Trung thành với cốt truyện cũ: Anh chàng nhà nghèo Aladdin được chọn là người duy nhất có thể tiến vào trong Hang động chứa kho báu ở sa mạc. Ngay lập tức, Aladdin là đích ngắm của tên phù thủy gian ác Jafar cho kế hoạch đen tối của mình.
“Điểm nhấn” của Aladdin là mọi nhân vật trong đều được thể hiện dưới phong cách và hình tượng vô cùng hài hước và vui nhộn: không còn là một Thần đèn nghiêm nghị như trong Ngàn lẻ một đêm, Thần đèn của Disney dưới “bàn tay” nhào nặn của các nhà làm phim và giọng lồng tiếng của Robin Williams đã thực sự chinh phục hàng triệu con tim của trẻ nhỏ như những điệu bộ tức cười cùng màn thay đổi chớp nhoáng, bắt chước những nhân vật nổi tiếng v.v…
Những trận cười nghiêng ngả hay những phút giây, khoảnh khắc lãng mạn của Aladdin và công chúa xinh đẹp Jasmine, bản nhạc lãng mạn, giai điệu tuyệt đẹp A Whole New World (giải Oscar cho Nhạc nền xuất sắc nhất năm 1993) góp phần tạo nên thành công cho phim.
Vào thời điểm đó, 213 triệu USD doanh thu (chưa kể DVD và các sản phẩm ăn theo của Disney) thực sự là con số ấn tượng trong ngành công nghiệp giải trí Hollywood, chẳng thế mà các sequel của Aladdin cứ tiếp tục “ra đời” như The Return of Jafar, Aladdin and the King of thieves… tuy nhiên không phim nào có thể đạt tới đỉnh cao mà Aladdin 1992 làm được.
6. Monsters, Inc. (2001) - Thành phố quái vật
Một phim hoạt hình khác của Pixar có cái tên nghe rất “sợ” Monsters, Inc xếp ở vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng, Monsters, Inc chinh phục khán giả bởi một thế giới hoàn toàn khác so với Finding Nemo, hay Toy Story, thế giới của những quái vật đáng yêu đằng sau cánh cửa tủ.
Xưởng Monster, Inc có chức năng sản xuất điện cho thành phố bằng “tiếng thét” của các em nhỏ, vì thế 2 anh chàng Monster Sulley và Mike có trách nhiệm đi “nhát ma” các em bé. Mọi việc diễn ra suôn sẻ cho đến khi cô bé con Mary (hay gọi là Boo) xuất hiện…
Cũng là một câu chuyện dí dỏm và hài hước về những Monster nhận ra điều quý giá của những tiếng cười, chúng có giá trị hơn là những tiếng thét khi phải đi “nhát ma” bọn trẻ.
Một thế giới Monsters không có thật, được phác họa 3D với nhiều hình hài, màu sắc, không ai giống ai nhưng trong trí tưởng tượng của các nhà sản xuất Disney, thế giới Monster vẫn được tái hiện một cách vui nhộn.
Monsters, Inc cũng có riêng cho mình 1 giải Oscar dành cho Nhạc nền xuất sắc nhất (bài If I Didn’t Have You) và được đề cử Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Cùng với Shrek, Monsters, Inc là 2 bộ phim hoạt hình duy nhất cùng chiến thắng tại giải Oscar năm 2002.
Về mặt doanh thu, Monsters, Inc cũng không làm Disney thất vọng khi thu về hơn 255 triệu USD tiền vé.
7. Beauty and the Beast (1991) - Người đẹp và Quái vật
Đứng thứ 22 trong danh sách Những phim có âm nhạc hay nhất, xếp thứ 34 trong danh sách Những phim lãng mạn nhất. Bài hát nhạc nền Beauty and the Beast xếp thứ 62 trong số Những phim có nhạc nền hay nhất, là một trong những phim nổi tiếng nhất của Walt Disney từ những năm 1989 cho đến 1999 trước khi phim hoạt hình bước sang kỉ nguyên 3D hóa, đó là Người đẹp và Quái vật.
Beauty and the Beast là câu chuyện thần tiên tuyệt đẹp kể về cô gái Belle vì cứu cha mà phải chấp nhận “làm tù nhân” trong lâu đài của Quái vật. Một cô gái xinh đẹp, lương thiện đã cảm hóa được sự ích kỉ, kiêu ngạo… của Quái vật, và tình yêu của cô dành cho Quái vật đã hóa giải lời nguyền và trả lại cho Quái vật hình hài của một Hoàng tử, giải thoát toàn bộ tòa lâu đài và gia nhân.
Beauty and the Beast là sự thành công ngoài sự mong đợi của Walt Disney, Người đẹp và Quái vật là phim hoạt hình duy nhất cho đến nay được đề cử vào hạng mục Phim xuất sắc nhất của giải thưởng danh giá Oscar. Bài hát cùng tên đoạt giải Nhạc nền xuất sắc nhất, và Âm nhạc trong phim được đề cử giải Nhạc phim xuất sắc nhất.
Beauty and the Beast là một câu chuyện tình yêu lãng mạn và cảm động, “tình yêu không xuất phát từ vẻ bề ngoài mà nó bắt đầu ngay từ chính con tim”, một cái kết đẹp như các câu chuyện cổ tích vốn có. Người đẹp và Quái vật đan xen nhiều khung cảnh lãng mạn kết hợp cùng âm nhạc tuyệt hay. Beauty and the Beast xứng đáng có được một vị trí trong bảng xếp hạng.
8. The Little Mermaid (1989) - Nàng tiên cá
Nàng tiên cá xinh đẹp Ariel là cô công chúa duy nhất của Walt Disney có mặt trong bảng xếp hạng 10 phim hoạt hình hay nhất của Hollywood 10’s Best lần này.
Dựa trên truyện cổ tích nổi tiếng của nhà văn Đan Mạch Andecxen, The Little Mermaid được Walt Disney “chỉnh sửa” cái kết của câu chuyện, khiến nó không buồn đẫm nước mắt như trong bản gốc, Nàng tiên cá không tan biến thành bọt nước biển mà có một đám cưới hạnh phúc bên chàng hoàng tử Eric.
The Little Mermaid có đến 2 bản Soundtrack cùng được đề cử giải Nhạc nền xuất sắc nhất trong Oscar năm 1990 là Under the Sea và Kiss the Girl, và chiến thắng thuộc về Under the Sea của Alan Menken và Howard Asham Ngoài Oscar, Under the Sea còn chiến thắng ở cả giải Quả cầu vàng và Emmy cùng năm đó.
Sự thành công của Nàng tiên cá mang đến cho Walt Disney khoản lợi nhuận khổng lồ (hơn 200 triệu USD trên toàn thế giới), và phim còn có mặt trong 10 phim hoạt hình hàng đầu của Walt Disney. Một thông tin thú vị khác là trong khi thực hiện bộ phim, bức hình của Ngôi sao Charmed Alyssa Milano được dùng để tạo hình nhân vật Nàng tiên cá bé bỏng Ariel (lúc đó Alyssa 17 tuổi). Phim có 1 sequel có tên The Little Mermaid II: Return to the Sea (2000).
9. A Bug’s Life (1998) - Cuộc sống của bọ
Xếp thứ 9 trong danh sách 10 phim hoạt hình hay nhất đó là A Bug’s Life - 1 sản phẩm hợp tác nữa của Pixar và “ông trùm” Walt Disney kể từ sau thành công rực rỡ của Toy Story.
A Bug’s Life - đúng như tên gọi với nội dung xoay quanh cuộc sống của các loài bọ, kiến, châu chấu v.v… được nhân cách hóa với nhiều tình tiết rất “xã hội loài người”.
Chú kiến Flik vô tình làm mất đi cả lượng lương thực lớn cả đàn kiến kiếm được để cống nộp cho tên châu chấu Hopper cùng đồng bọn. Nảy ra ý tưởng tìm đến sự giúp đỡ của những loài “bọ” to lớn hơn, kiến Flik khăn gói lên đường trong khi cả đàn vui vẻ vì Flik hay “gây rối” đã phải ra đi, không một ai mong Flik trở về kiến nhỏ Dot…
Flik lên “đô thị”, hòa vào cuộc sống nhộn nhịp của những con bọ và tìm được một gánh xiếc rong gồm nhện, sâu róm, bọ que, bọ dừa v.v… mà Flik tin rằng đây chính là những người hùng sẽ giải thoát cho đàn kiến khỏi những tên châu chấu to xác.
A Bug’s Life bổ sung cho bộ sưu tập khổng lồ của Walt Disney 1 bộ phim hoạt hình thành công cả về doanh thu và nội dung: cuộc tranh đấu của loài kiến bé nhỏ chống lại lũ châu chấu to xác, cuộc sống sinh động, hấp dẫn của những loài côn trùng được 3D hóa đầy vui nhộn và hài hước.
A Bug’s Life kiếm về cho Disney hơn 270 triệu USD doanh thu tiền vé, mang về 1 đề cử Oscar cho Nhạc phim xuất sắc nhất.
10. Spirited Away (2002) - Vùng đất xa lạ
Góp mặt cuối cùng trong bản danh sách là Spirited Away, một bộ phim hoạt hình Nhật Bản đình đám gây tiếng vang lớn trên quốc tế tại các giải liên hoan phim danh tiếng.
Spirited Away chinh phục khán giả bởi một cốt truyện hấp dẫn và nhiều bất ngờ, các nét vẽ theo đúng phong cách anime của Nhật Bản mà toàn bộ đều được vẽ bằng tay bởi Hayao Miyazaki (Kịch bản kiêm Đạo diễn phim) không cần nhờ đến máy tính.
Spirited Away là câu chuyện về cô bé Chihiro trong cuộc hành trình phiêu lưu vào thế giới của những linh hồn với mục đích cứu cha mẹ khỏi lốt lợn. Một cô bé con chăm chỉ, vượt lên trên cả nỗi sợ hãi, dấn thân vào nguy hiểm để cứu cha mẹ.
Spirited Away có tên gốc là Sen to Chihiro no kamikakushi, là bộ phim thể loại Anime của Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại giải Oscar năm 2003, ngoài ra phim còn có 35 giải và 18 đề cử tại các giải LHP khác (như giải Gấu Vàng tại LHP Berlin tại Đức năm 2002).
Spirited Away đã chứng tỏ thế mạnh của dòng phim Anime “đặc trưng” của Nhật Bản có đủ sức cạnh tranh với cả những “đại gia” danh tiếng khác trong ngành công nghiệp phim truyền hình và chinh phục khán giả thế giới.
No comments:
Post a Comment