Tuesday, May 25, 2010

Liên hoan phim Cannes lần thứ 63 | 12/5 - 23/5/2010

63th Cannes Film Festival
Liên hoan phim Cannes lần thứ 63
(12/05/2010 - 23/05/2010)




Poster chính thức của LHP Cannes lần thứ 63




----------------------------------------------------------

Shekhar Kapur góp mặt trong thành phần ban giám khảo của Liên hoan phim Cannes


Nguồn: BollywoodWorld.com
Dịch bởi Oukyumi @ DienAnh.Net



Nhà làm phim Shekhar Kapur

Nhà làm phim quốc tế người Ấn Độ Shekhar Kapur sẽ góp mặt trong thành phần ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes danh giá diễn ra vào từ ngày 12-23/5 năm nay.

Nổi tiếng với các bộ phim "Masoom", "Mr.India", "Bandit Queen" cùng các dự án quốc tế "Elizabeth" và "Elizabeth - The Golden Age", Kapur sẽ tham gia vào thành phần ban giám khảo cùng đạo diễn Tim Burton, nữ diễn viên người Anh Kate Beckinsale và những người khác.

Năm ngoái, nữ diễn viên gạo cội và đồng thời cũng là người đứng đầu ủy ban kiểm duyệt Sharmila Tagore cũng nằm trong ban giám khảo. Còn vào năm 2003, vinh dự này thuộc về nữ diễn viên Bollywood kiêm cựu hoa hậu thế giới Aishwarya Rai.

Kitano Takeshi đưa "Outrage" đến Cannes


Nguồn: Japan Zone
Dịch bởi Oukyumi @ DienAnh.Net



Kitano Takeshi (bên trái) and Shiina Kippei trong "Outrage"

Bộ phim mới nhất của Kitano Takeshi (63 tuổi) đã được chọn tham gia tranh giải tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 63 vào năm nay.

Kitano là một trong những nhà làm phim người Nhật thành công nhất trên đấu trường quốc tế, và có lượng người hâm mộ to lớn ở châu Âu. Kitano vừa được phong tặng danh hiệu cao nhất của nghệ thuật Pháp, và hiện đang có cuộc triển lãm nghệ thuật tại Fondation Cartier ở Paris. Nhưng dù vậy đây chỉ mới là lần thứ hai ông có một bộ phim tham gia tranh giải tại Cannes. Bộ phim đầu tiên của Kitano được chọn là "Kikujiro no Natsu" vào năm 1999.

Cannes chắc chắn sẽ làm tăng thêm sự hứng khởi dành cho "Outrage", bộ phim đánh dấu sự trở lại của Kitano đối với dòng phim hành động và bạo lực. Đó cũng là thể loại đã đưa ông trở thành nhà làm phim hàng đầu. Bộ phim "Zatoichi" vào năm 2003 là bộ phim cuối thuộc nhóm phim dành cho những người 15 tuổi trở lên của Kitano. "Zatoichi" trộn lẫn âm nhạc và khiêu vũ trong một bộ phim nói về vị kiếm sĩ huyền thoại.

Trong khi đó "Outrage" chứa đầy những màn đánh đấm theo kiểu yakuza (xã hội đen Nhật Bản), sự phản bội, những màn đấu trí cùng các cảnh bạo lực đầy máu me. Kitano đã nói về "Outrage" rằng, "Đây là bộ phim thuộc dòng phim bạo lực của tôi sau một thời gian, vì thế tôi nghĩ có rất nhiều điều đáng mong đợi. Tôi đang chờ đợi những phản hồi từ khán giả." Cùng với Kitano, dàn diễn viên hùng hậu của "Outrage" bao gồm Shiina Kippei, Kase RyoMiura Tomokazu.

"Outrage" dự kiến sẽ được khởi chiếu tại Nhật Bản vào ngày 12/6, nhưng các khán giả tại Cannes sẽ được xem phim sớm hơn một tháng khi liên hoan phim kéo dài từ ngày 12-23/5. Đối thủ của "Outrage" tại Liên hoan phim Cannes năm nay sẽ là "Another Year" của Mike Leigh, "Poetry" của Lee Chang-dong và "Burnt by the Sun 2" của Nikita Mikhalov. Đứng đầu ban giám khảo năm nay là đạo diễn Tim Burton.

Phim của Terence Malick được dự đoán sẽ thắng giải Cannes


Nguồn: Guardian
Dịch: xuka-1986 @ DienAnh.net

Bộ phim “The Tree of Life” của Terence Malick có thể được đề cử giải Cành cọ vàng, làm dấy lên những lời đồn đoán cho rằng vị đạo diễn trầm lặng sẽ đích thân tham gia Liên hoan phim Cannes.


Đạo diễn Terence Malick tại buổi lễ trao giải của hội phê bình phim New York năm 1999, năm ông đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất cho “The Thin Red Line”


Thảm đỏ tại Liên hoan phim Cannes sẽ đón chào vị đạo diễn trầm lặng nhất trong thế giới phim nếu như Terence Malick được xác nhận sẽ là một đạo diễn tham gia giải Cành cọ vàng năm nay. Có những dự đoán cho rằng bộ phim điện ảnh gần đây nhất của Malick, “The Tree of Life” sẽ được lựa chọn tham dự Liên hoan phim Cannes lần thứ 63, và có khả năng vị đạo diễn này sẽ xuất hiện tại buổi lễ vào tháng Năm.

Malick chỉ làm bốn bộ phim điện ảnh kể từ khi ông làm bộ phim đầu tiên được ca ngợi “Badlands” vào năm 1973, ông có thói quen từ chối tất cả các yêu cầu phỏng vấn. Những ứng cử viên giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes đều được yêu cầu tham dự buổi công chiếu phim của họ, cũng như trả lời rất nhiều câu hỏi tại buổi họp báo sau buổi chiếu phim.

Đúng như phong cách của ông, những cảnh chi tiết của bộ phim gần đây nhất của Malick vẫn nằm trong vòng bí mật. Một số nguồn tin cho rằng “The Tree of Life” là một phim có sự giao thoa giữa các thế hệ theo phong cách trong truyện “East of Eden” của John Steinbeck. Brad Pitt đóng vai một người cha trong phần đầu phim, và tình tiết sau đó chuyển sang những bài học của cậu con trai đã trưởng thành, Sean Penn đóng. “The Tree of Life” dự định được công chiếu chính thức tại các rạp vào tháng mười một.

Một số phim điện ảnh khác có thể tham gia liên hoan phim năm nay bao gồm “You Will Meet a Tall Dark Stranger” của Woody Allen và “Wall Street: Money Never Sleeps”, phim tiếp theo của Oliver Stone sau bộ phim bom tấn năm 1987.

Liên hoan phim Cannes lần thứ 63 sẽ được khai mạc vào ngày 12 tháng 5 với đợt công chiếu trên toàn cầu phim “Robin Hood” của Ridley Scott.

Phim “Sandcastle” sẽ được chiếu tại Cannes

20 April 2010
Source: Channel News Asia
Dịch: HMSChocolate @ DienAnh.Net


Phim “Sandcastle”, phim truyện đầu tiên của đạo diễn phim ngắn người Singapore Vu Tuấn Phong, được ra mắt thế giới tại Liên hoan phim Cannes, sẽ là phim Châu Á đầu tiên được công chiếu tại Tuần lễ các nhà phê bình phim quốc tế lần thứ 49.


Đây là lần thứ sáu có một phim Singapore được chiếu tại Cannes.

Thêm vào đó, đạo diễn 26 tuổi này sẽ tranh giải Camera d'Or (Máy quay vàng), một giải thưởng dành cho phim đầu tay xuất sắc nhất trong số các phim tham gia tranh giải hoặc được chiếu tại các hoạt động như Hai tuần lễ dành cho đạo diễn hoặc Tuần lễ các nhà phê bình phim quốc tế.

“Tôi thạt sự rất vui,” đạo diễn Vu Tuấn Phong cho biết. “Như một giấc mơ thành hiện thực khi phim đầu tiên của tôi được chiếu tại Cannes. Tôi thấy đây là một phần của quá trình học hỏi của mình và rất mong đợi được nói chuyện với khán giả và các nhà phê bình phim.”

Về việc bộ phim được chọn tranh giải, nhà sản xuất Khâu Kim Hải cho biết, “Tôi rất phấn khởi vì “Sandcastle” sẽ là phim Singapore đầu tiên được chiếu tại Tuần lễ các nhà phê bình phim. Tuấn Phong đã vượt xa các kỳ vọng của chúng tôi về bộ phim đầu tay của mình và đã làm tất cả chúng tôi tự hào với việc được tranh giải tại Cannes.”

Khâu Kim Hải không hề lạ lẫm với liên hoan phim danh giá này. Năm 1997, phim “12 Storeys” của anh là phim Singapore đầu tiên được mời đến liên hoan phim này, và tranh giải Un Certain Regard. “Be With Me” đã mở màn Hai tuần lễ dành cho đạo diễn vào năm 2005 và “My Magic” là phim Singapore đầu tiên tranh giải Cành cọ vàng năm 2008.


“Sandcastle” nói về một cậu thiếu niên 18 tuổi, En (do Joshua Tan đóng), bị bắt phải sống với ông bà trong khi đợi nhập ngũ và mẹ cậu có một kỳ nghỉ lâu dài.”

Đầy là một trong chin phim được Cục Phát triển Truyền thông Singapore đầu tư, trong khuôn khổ Quỹ Phim điện ảnh mới 2008 của đất nước này. Đây cũng là phim truyện đầu tiên của Vu Tuấn Phong sau một chuỗi phim ngắn như "Tanjong Rhu" và "Keluar Baris".

Bộ phim có ngân sách 300.000 đôla Singapore, và được các hãng Zhao Wei Films, Akanga Film Asia và Infinite Frameworks hợp tác sản xuất.

Bộ phim sẽ được hãng Fortissimo Films phân phối trên trường quốc tế. Đây cũng là hãng đã phân phát phim khen ngợi của Vương Gia Vệ, "In the Mood for Love" và phim tài liệu tai tiếng "Supersize Me".

Phim của đạo diễn Vương Tiểu Soái tranh giải Cành cọ vàng


Source: CRIENGLISH
Translator: nounou @ DienAnh.Net


Đạo diễn người Trung Quốc Vương Tiểu Soái vừa nhận thêm đề cử Cành cọ vàng thứ hai cho bộ phim mới nhất của ông "Chongqing Blues", theo một thông báo trên trang web của Liên hoan phim Cannes.

Bộ phim về một người cha và con trai sẽ tranh giải thưởng danh giá của Liên hoan phim Pháp cùng với 17 phim khác. Một vài đối thủ kể đến như "Outrage" của đạo diễn người Nhật Kitano Takeshi và "Fair Game" của nhà làm phim người Mỹ Doug Liman.

Đạo diễn Vương từng được một đề cử Cành cọ vàng vào năm 2005 cho phim "Shanghai Dreams", câu chuyện về cố gắng cay đắng của một gia đình để trở về quê nhà ở Thượng Hải. Thay vào đó phim lại nhận được giải đặc biệt của Ban giám khảo.

Vương Tiểu Soái là người tiên phong thuộc nhóm đạo diễn "thế hệ thứ sáu" của Trung Quốc, nhóm được biết đến nhờ những câu chuyện về con người thường ngày. Hồi tháng hai ông được nhận huân chương Hiệp sĩ của bộ Huân chương văn học và nghệ thuật của Pháp (French Order of Arts and Letters) vì những cống hiến cho điện ảnh thế giới.

Giả Chương Kha, một đạo diễn "thế hệ thứ sáu" danh tiếng khác sẽ đưa phim tài liệu "I Wish I Knew" từng có mặt trong Hội chợ Quốc tế Thượng Hải tranh hạng mục "Un Certain Regard".

Liên hoan phim Cannes thường niên lần thứ 63 diễn ra từ ngày 12 - 23/5. Chủ tịch Hội đồng giám khảo là đạo diễn Tim Burton của "Alice in Wonderland".

Hàn Quốc dẫn đầu các phim châu Á tại Liên hoan phim Cannes


Ngày: 24/4/2010
Nguồn: Korea Herald
Người dịch: MTL26 @ DienAnh.Net


Vào tháng tới, các đạo diễn Hàn Quốc sẽ dẫn đầu lực lượng hùng mạnh các phim châu Á được chọn tranh giải tại Liên hoan phim Cannes năm nay.

Lần tổ chức thứ 63 của cuộc cạnh tranh hàng năm lớn nhất giữa các phim điện ảnh quốc tế sẽ mở màn vào ngày 12/5 và sự kiện kéo dài hai tuần chắc chắn sẽ đem đến rất nhiều sự quyến rũ và say mê đã mang lại sự nổi tiếng cho liên hoan phim.


Năm nay, nhiều nhà làm phim châu Á sẽ cạnh tranh để giành giải thưởng cao quý nhất được nhiều người mong ước, Cành cọ vàng.

Trong số chín tác phẩm đến từ châu Á, có bốn phim là của các đạo diễn Hàn Quốc. Trong số đó có Lee Chang Dong, sẽ trở lại bờ biển French Riviera với “Poetry”, với sự tham gia của biểu tượng điện ảnh thập niên 60 Yoon Jung Hee.

Nhà làm phim xuất thân từ một tiểu thuyết gia đồng thời là cựu bộ trưởng bộ văn hóa vốn không xa lạ gì với sự kiện này vì lần gần đây nhất ông tham gia tranh giải tại Liên hoan phim Cannes là với bộ phim “Secret Sunshine” năm 2007.

Dù Lee Chang Dong trở về trắng tay vào năm đó, nhưng phim cũng thu được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Jeon Do Yeon.

Mỹ nhân màn ảnh rộng 38 tuổi sẽ gặp lại Lee Chang Dong một lần nữa khi cô tranh một giải thưởng diễn xuất nữa với vai chính trong phiên bản làm lại từ bộ phim kinh điển năm 1960 của Im Sang Soo, “The Housemaid”.

Nữ diễn viên được ca ngợi này được mệnh danh là “Nữ hoàng của Cannes” từ sau chiến thắng của cô ba năm trước và trong “The Housemaid”, Jeon Do Yeon trở lại chủ đề tình dục cô từng thể hiện thành công trong bộ phim năm 1999, “Happy End”.

Trong phim mới nhất, cô đóng vai một người bắt đầu chuyện tình yêu đương cuồng nhiệt đầy nhục dục với ông chủ của mình, do nam diễn viên cuốn hút Lee Jung Jae đảm nhận.

Jeon Do Yeon, chưa bao giờ né tránh những cảnh khỏa thân và tình dục, chắc chắn sẽ giành được sự chú ý của các nhà phân phối châu Âu và Bắc Mỹ vì phim được mô tả là một tác phẩm tâm lý ly kỳ đặc sắc.

May mắn cho cô và Im Sang Soo, những chủ đề gây tranh cãi thường là một yếu tố hiệu quả giúp những phim đến từ Viễn Đông bán được ra nước ngoài. Theo truyền thống, các phim châu Á tham dự các liên hoan phim đều thu hút người mua đến từ các công ty phân phối hướng đến những thị trường thích hợp.

Những phim miêu tả sinh động sự bạo lực quá mức hay tình dục cận cảnh của các nữ diễn viên được biết đã hấp dẫn một lượng khán giả nước ngoài đáng kể ở phương Tây.

Nhà phân phối của Anh có trụ sở tại Mỹ Tartan thập kỷ vừa qua đã nắm được bản quyền phân phối tại thị trường Bắc Mỹ và Anh các phim của Park Chan Wook, Kim Ki Duk, Hong Sang Soo, Kim Ji Hoon và các phim châu Á khác dưới khẩu hiệu “Tartan Asia Extreme”.

Với đạo diễn của “The Housemaid” Im Sang Soo, được biết đến với khá nhiều phim gây phản ứng dữ dội nói về những đề tài mang tính thời sự như “A Good Lawyer’s Wife” và “The President’s Last Bang”, các chuyên gia điện ảnh trong nước nhận xét bộ phim có khả năng tìm được nhà phân phối nước ngoài trong liên hoan phim này.

Darcy Paquet, một nhà phê bình phim nội địa đồng thời là phóng viên của báo Screen Daily International và tạp chí thương mại công nghiệp Variety, cho rằng “yếu tố mạnh mẽ của thể loại tâm lý ly kỳ với hình tượng đặc sắc và cái nhìn về tình dục sẽ dễ dàng tiếp thị với các nhà phân phối nước ngoài.”

Ông còn cho biết “Poetry” vừa được bán cho một nhà phân phối ở Pháp và dự định sẽ được công chiếu giới hạn tại đây trong tháng 8.

Cùng với hai ứng cử viên nặng ký này, trong số các tác phẩm được mời còn có đạo diễn mới đang lên Jang Cheol Soo với phim về kẻ giết người hàng loạt “Bedevilled”, sẽ tranh giải ở hạng mục không chính thức International Critics’ Week .

Gương mặt táo bạo tại liên hoan phim Hong Sang Soo sẽ cạnh tranh ở hạng mục Un Certain Regard với bộ phim mới nhất của ông nói về những người trẻ tuổi cư xử tệ hại “Ha Ha Ha”.


Cùng với phim của Hong Sang Soo còn có “Udaan”, phim đầu tay của đạo diễn Ấn Độ Vikramaditya Motwane; “Chatroom”, phim nói tiếng Anh được thực hiện tại Mỹ của đạo diễn Nhật Bản Hideo Nakata; phim kinh dị “R U There” quay tại Đài Loan của đạo diễn Hà Lan David Verbeek; và bộ phim của đạo diễn Trung Quốc Vương Tiểu Soái “Nhật chiếu Trùng Khánh”, dựa trên câu chuyện có thật về cuộc điều tra của một người cha tìm hiểu việc người con trai bị ghẻ lạnh của ông bị cảnh sát giết chết như thế nào.

Cũng nằm trong số các ứng cử viên đến từ châu Á tại Liên hoan phim Cannes năm nay là đạo diễn Takeshi Kitano với “Outrage”, sự trở lại thể loại găng-xtơ của diễn viên kiêm đạo diễn được ca ngợi của Nhật Bản, và đạo diễn mới người Thái Lan Apichatpong Weerasethakul với tác phẩm hợp tác Tây Ban Nha – Đức – Pháp – Anh “Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives”.

Ban giám khảo gồm tám thành viên đứng đầu là Tim Burton năm nay có một thành viên từ châu Á là đạo diễn, diễn viên kiêm nhà sản xuất Ấn Độ Shekhar Kapur.

Năm ngoái, đạo diễn Hàn Quốc Park Chan Wook đã mang về giải thưởng thứ hai tại Liên hoan phim Cannes, sau lần đầu được vinh danh năm 2003 với “Oldboy” với giải thưởng của ban giám khảo dành cho “Thirst”.

Mười khoảnh khắc tuyệt nhất Liên hoan phim Cannes

Nguồn: Guardian
Người dịch: tnmkhanh @ DienAnh.Net


Madonna ngẩng cao đầu tại buổi công chiếu “In Bed with Madonna” ở Cannes năm 1991 với áo ngực hình chóp của Jean-Paul Gaultier (Ảnh: AFP/Getty Images)


Maddona phô diễn áo ngực, 1991

Ít người thâu tóm khoảnh khắc trên thảm đỏ tại khu liên hợp chiếu phim Palais des Festivals đáng nhớ như Madonna, khi phim tài liệu “In Bed with Madonna” công chiếu trong hạng mục không tranh giải. Khoác một tấm áo choàng, cô bước lên hết các bậc thang và quay lại để lộ dưới tấm áo cô đang mặc là một chiếc áo ngực hình chóp do Paul Gaultier thiết kế. Năm 2005, nữ diễn viên người Pháp Sophie Marceau qua mặt Madonna khi “vô ý” mặc đồ không hợp vừa đủ lộ ngực trái của mình.

Cannes bị dừng, 1968

Chắc chắn năm kịch tính nhất của “nữ hoàng các liên hoan phim” này là năm 1968, vào thời kỳ sinh viên bạo động, xung đột và bất ổn lan từ Paris ra khắp nước Pháp. Dẫn đến việc các đạo diễn Godard, Truffaut, Louis Malle, Polanski, Lelouch và Milos Forman phải họp báo, rút phim không tham gia và yêu cầu ngừng liên hoan để đồng tình với các sinh viên. Sau hai ngày đàm phán, liên hoan lên tiếng dừng các hoạt động.

Bardot trình diễn áo tắm, 1953

Diễn viên trẻ 18 tuổi, đầu bù tóc rối người Pháp Brigitte Bardot làm cả thế giới chú ý đến áo tắm hai mảnh bằng cách xuất hiện ở bãi biển trước mặt Kirk Douglas trong bộ trang phục này. “Trước giờ tôi chưa từng thấy loại quần áo nào như vậy,” ông cười và nói. Một năm sau, diễn viên trẻ người Anh Simone Silva tụt chiếc bikini trước mặt các phóng viên đang chụp ảnh Robert Mitchum, củng cố danh tiếng vùng Riviera là nơi nổi tiếng với các nữ diễn viên để mình trần.

Michael Moore thắng giải Cành cọ vàng, 2004

Phim tài liệu duy nhất từng đoạt giải chính của liên hoan là “Farenheit 9/11”, bản lý lẽ đanh thép chống tổng thống Bush và chống chiến tranh Iraq của Micheal Moore. Phim được một hội đồng giám khảo đứng đầu là Quentin Tarantino trao giải – “vì giá trị nghệ thuật cao”. Tuy nhiên, chiến thắng của Moore, đã lên trang đầu các tờ báo trên toàn cầu, minh chứng cho bản chất chính trị thường thấy trong chọn lựa của Cannes; nhiều người tin rằng các hội đồng giám khảo có thể bị “ảnh hưởng” tùy thuộc vào nghị trình chính trị ở Pháp.

"Borat" mở màn cho mankini, 2006

Cannes cũng gây sốc cho công chúng không kém các bộ phim. Jerry Seinfeld ăn vận như một chú ong và tự quăng mình ra khỏi khách sạn Carlton để quảng bá cho “Bee Movie”. Năm 2009, những tay đua xe đạp người Bỉ khỏa thân đã chặn giao thông dọc đại lộ Croisette để quảng bá cho “The Misfortunates”. Nhưng những ai từng chứng kiến sẽ không thể nào quên cảnh trong “Borat” của Sacha Baron Cohen, anh nằm trên bãi biển trong bộ mankini (một loại đồ tắm dành cho nam) xanh vỏ chanhvà cười hồn nhiên; cảnh này đã đưa thời trai trẻ và danh tiếng của anh lên những tầm cao mới.

“Antichrist” là cuốn phim gây sốc nhất, 2009

Mỗi năm, Cannes chiếu “một phim gây sốc”. Năm 1967, “In the Realm of the Senses” cần những buổi chiếu thêm để đối phó với sự phẫn nộ do những cảnh làm tình thật trong phim gây ra. Năm 2003, ba người ngất xỉu khi xem “Irreversible” của Gaspar Noé, một phim về trả thù và cưỡng hiếp được kể ngược thời gian có Vincent Cassel và Monica Bellucci tham gia. Nhưng hồi tưởng phim “Antichrist” năm 2009 mới thấy rùng mình, Lars von Trier đoạt lại ngôi vương “kích động” chỉ bằng một cảnh bạo lực duy nhất và dữ dội nhất trong lịch sử Cannes, một góc quay cận cảnh Charlotte Gainsbourg tự cắt âm vật của mình bằng một cây kéo cũ kỹ. Y như rằng, cô đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

“The Brown Bunny” đạt danh hiệu Phim tệ nhất từ trước đến nay, 2003

Những phim tham gia Cannes thường chỉ nhận được tán dương hoặc chê bai chứ ít khi có thứ ở giữa. “Southland Tales” của Richard Kelly, “Marie Antoinette” của Sofia Coppola và “Da Vinci Code” của Ron Howard đều bị la ó, nhưng không phim nào có thể so sánh với phim ngạo mạn “The Brown Bunny” của đạo diễn người Mỹ Vincent Gallo. Sau màn tự mãn ngu ngốc có cảnh nữ diễn viên Chloë Sevigny khẩu dâm với Gallo, tiếng chê bai vang lên đến điếc tai và nhà phê bình người Mỹ Roger Ebert đứng lên nói rằng “đây là phim dở nhất từng được trình chiếu trong lịch sử Cannes”. Tối đó, Gallo gọi Ebert là “một con heo mập”. Nhà phê bình trả miếng: “Ngày nào đó tôi sẽ ốm đi; còn ông Gallo mãi vẫn sẽ là đạo diễn của ‘The Brown Bunny’.”

Tình dục, dối trá và băng video châm ngòi cho phim độc lập bùng nổ, 1989

Ở tuổi 26, Steven Soderbergh trở thành người trẻ nhất đoạt giải Cành cọ vàng. (Người Mỹ duy nhất còn lại từng thắng giải Cành cọ vàng với phim đầu tay vẫn là Robert Altman, với phim “M*A*S*H” năm 1970.) Trong một quyết định bất ngờ từ hội đồng giám khảo do Wim Wender làm chủ khảo, phim đầu tay của Soderberfh đã đánh bại phim ăn khách “The Right Thing” của Spike Lee, dẫn đến việc sau này người hâm mộ Lee đã tuyên bố: “Đâu đó tôi có một cây gậy bóng chày có in tên Wim Wender.” Tốt cho kinh doanh thôi, khởi đầu một thời đại sản xuất phim độc lập ở Hoa Kỳ, dẫn đầu là công ty Miramax của anh em nhà Weinstein, người đã dùng Cành cọ vàng như một công cụ quảng cáo đáng tự hào.

Người Pháp chê bai chiến thắng trên sân nhà của Pialat, 1987

Phim “Sous le soleil de Satan” của Maurice Pialat, có sự tham gia của Gérard Depardieu và Sandrine Bonnaire, đã bị chính khán giả nhà huýt sáo chê bai ở Palais khi phim đoạt giải Cành cọ vàng. Đạo diễn này đáp trả đám đông – và rộng hơn là khán giả đang xem truyền hình – bằng “ngón tay thối”. Mất đến 21 năm sau Pháp mới lại giành giải cao nhất tại liên hoan phim nước mình, với phim được đón nhận tích cực hơn “Entre les murs” (“The Class”), do Laurent Cantent viết kịch bản và đạo diễn. Vẫn không rõ vì sao phim của Pialat lại bị chê trách quá nhiều đêm đó. “Người Pháp không thích thắng,” ông nói. “Vậy thôi.”

Kathy Burke đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất, 1997

Các giải thưởng về diễn xuất của Cannes có thể hơi lập dị. Nữ diễn viên được nể trọng người Brazil, Sandra Corveloni, tham gia phim đầu tay, đã có chiến thắng gây sốc vào năm 2008 với phim “Linha de Passe” của Walter Salles - lúc đó hội đồng giám khảo không ngờ rằng cô không thể nhận giải và thậm chí không biết mình đoạt giải khi còn đang hôn mê trong bệnh viện sau cuộc phẫu thuật cẩu thả. Giờ cô đã hồi phục. Dàn diễn viên toàn nữ trong “Volver” của Almodóvar đoạt các giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 2006, khiến ngôi sao của phim là Penélope Cruz tức giận. Năm 2004, Yûya Yagira, một cậu bé Nhật Bản 14 tuổi, đoạt giải với phim “Nobody Knows”. Nhưng màn đoạt giải ưa thích là của Kathy Bruke cho phim “Nil By Mouth” năm 1997. Nữ diễn viên này đang ở chi nhánh Islington (ở London) của hãng Sainsbury thì họ gọi đến bảo cô tìm máy bay và váy rồi đến Palais ngay. Cô cũng đến kịp, chỉ không biết chính xác mình được nhận giải gì, và mang đến một trong những nụ cười đẹp nhất Cannes từng chiêm ngưỡng.

Mười sáu bộ phim lọt vào danh sách tham dự Liên hoan phim Cannes

Nguồn: Los Angeles Times
Người dịch: funny142 @DienAnh.Net

Mười sáu bộ phim hiếm hoi trình chiếu trong cuộc thi chính thức tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 63 – ít hơn nhiều so với thường lệ - đã được tiết lộ tại cuộc họp báo buổi sáng 15/4 ở khách sạn Grand.

Khi thông báo danh sách phim, chủ tịch liên hoan phim Thierry Fremaux lặp lại những lời bình luận gần đây ông phát biểu trước giới truyền thông, nói đây đúng là một năm khó khăn để đưa ra danh sách phim nhưng ông có ý định sẽ đưa thêm phim vào trong những ngày sắp tới.

Một trong số những bộ phim nổi tiếng nhất có thể đoạt giải là bộ phim chính trị ly kỳ “Fair Game” của Doug Liman – nói về vụ rắc rối của Joe Wilson và Valerie Plame – với sự góp mặt của Sean Penn và Naomi Watts, và cũng là bộ phim Mỹ duy nhất trong cuộc thi chính. “Robin Hood” của Ridley Scott, có sự tham gia của Russell Crowe, sẽ chiếu mở màn liên hoan phim nhưng không dự thi, trong khi “Wall Street: Money Never Sleeps” của Oliver Stone như dự đoán đã nhận được một suất chiếu bên ngoài cuộc thi.

Những bộ phim không tham gia tranh giải được trình chiếu gồm “Tamara Drewe” của Stephen Frears và “You Will Meet a Tall Dark Stranger” của Woody Allen, bộ phim cũng có sự góp mặt của Watts và Josh Brolin của “Wall Street”. Fremaux nói ông đã hỏi Allen liệu bộ phim có thể trình chiếu trong phần lựa chọn chính thức nhưng vị đạo diễn ngại cạnh tranh kia lại từ chối.

Trở lại với cuộc thi năm nay là Alejandro González Iñárritu, người lần cuối xuất hiện vào năm 2006 trong “Babel”, bộ phim đem về cho anh giải đạo diễn xuất sắc. Năm nay là bộ phim chính kịch “Biutiful”, có sự góp mặt của Javier Bardem. Đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami sẽ bước trên thảm đỏ với “Certified Copy”, đánh dấu lần thứ tư ông tham gia cuộc thi.

Đạo diễn người Nhật Bản Takeshi Kitano xuất hiện trong phim “Outrage” của mình, đánh dấu sự trở lại với cuộc thi kể từ năm 1999. Tổng cộng, có bốn bộ phim đến từ châu Á trong cuộc thi, bao gồm “Housemaid” của Im Sang Soo, “Poetry” của Lee Chang Dong và “A Letter to Uncle Boonmee” của Apichatpong Weerasethakul.

Mike Leigh cũng trở lại với bộ phim “Another Year”, có sự góp mặt của Jim Broadbent. Đây là lần thứ tư Leigh tham dự cuộc thi chính. Nikita Mikhalkov cũng trở lại lần đầu tiên kể từ khi giành Giải của bạn giám khảo với “Burnt by the Sun” năm 1994. Bộ phim mới nhất của nhà soạn nhạc người Nga này là phần tiếp theo của thiên anh hùng ca, “Burnt by the Sun 2”.

Cho đến nay những bộ phim vẫn chưa có mặt trong danh sách là “Miral” của Julien Schnabel, bộ phim đã giành một vị trí dù nó vẫn có thể xuất hiện trong hạng mục khác – hoặc sẽ được thêm vào trong những thông báo sắp tới của Fremaux. Bộ phim thai nghén lâu ngày “Tree of Life” của Terrence Malick cũng không xuất hiện trong lịch chiếu, trái ngược với những lời đồn, cho đến giờ, rằng bộ phim có sự tham gia của Brad Pitt này sẽ ra mắt trong Cannes. Tuy nhiên, nó vẫn có thể được lựa chọn, và “chúng tôi đang cầu nguyện,” Fremaux nói.

Cannes chật vật chuẩn bị cho Liên hoan phim khi gió nghịch mùa và sóng biển tàn phá bờ biển

Date: 5/5/2010
Source: http://www.guardian.co.uk/world/2010...estival-storms
Translator: nounou @ DienAnh.Net


Các đợt sóng cao 10m đã lật úp xe hơi và phá hủy các nhà hàng tại Côte d'Azur một tuần trước liên hoan phim.

Vùng Côte d'Azur của Pháp phải chật vật để giữ lại linh hồn của mình sau khi những cơn sóng to và gió lớn quét qua để lại vùng bờ biển hoang tàn một tuần trước khi những người giàu có và nổi tiếng đến tham dự Liên hoan phim Cannes lần thứ 63.

Những con sóng cao từ 4 đến 10 mét ập vào bãi biển Promenade des Anglais ở Nice và Croisette tại Cannes vào trưa 5/5, lật úp các xe hơi và phá hủy các nhà hàng hướng ra phía biển.

Trong khi nhiều nhóm công nhân làm việc suốt đêm để dọn số cát bị cuốn lên, quét dọn đường phố và hốt các đống gạch vụn, ông David Lisnard, phó thị trưởng Cannes cho biết thiệt hại có thể lên đến hàng triệu euro.

Nhưng ông nhấn mạnh, thời tiết bất thường sẽ không ảnh hưởng đến liên hoan phim, khai mạc vào thứ tư tuần sau 12/5. "Sẽ phải mất vài ngày để sắp xếp lại các thứ, nhưng tất cả sẽ sẵn sàng, sạch sẽ không chê vào đâu được và trời sẽ đầy nắng," ông nói.

Nhưng những người khác thì không được lạc quan như vậy. "Thiệt hại đáng kể nên liên hoan phim sẽ không diễn ra chính xác như dự báo," Christophe Marx, một viên chức chính quyền Alpes-Maritimes nói với đài phát thanh Pháp không chút đắn đo.

Jean-Luc Passion, chủ một bãi biển ở Croisette, cho biết việc kinh doanh của địa phương cần sự hỗ trợ của chính quyền.

"Liên hoan phim rất quan trọng đối với các bãi biển, với thị trấn và cho liên hoan phim, vì thế chúng tôi làm không ngừng nghỉ để hoàn tất công việc. Nhưng chúng tôi nghĩ mọi người cũng nên giúp một tay," ông nói với đài phát thanh Pháp.

Gọi cơn bão là một thảm họa, ông nói: "Nói trắng ra chúng tôi đã thất bại. Sóng biển ập đến quá nhanh. Thời tiết rất ôn hòa rồi đột nhiên bão kéo đến và chúng tôi không có thời gian chuẩn bị."

Người dân địa phương cũng đồng tình rằng đó là những con sóng lớn nhất từng thấy ở Côte d'Azur trong nhiều năm, nếu không phải là hàng thập kỷ thìvà lại bất thường vào thời điểm này trong năm, "Phải mùa đông năm 1985 mới có những con sóng to đến thế," Christian Estrosi, bộ trưởng công nghiệp Pháp và thị trưởng theo phe cánh hữu của Nice cho biết.

René Colomban, chủ tịch Hội liên hiệp thành viên bờ biển Promenade des Anglais nói ông chưa từng thấy chuyện gì như vậy từ năm 1959.

Để tiến trình bồi thường được nhanh chóng, thị trưởng của cả hai thành phố du lịch đã yêu cầu chính thức phân loại các khu vực bị thiên tai. Khoảng 15 nhà hàng ngoài bờ biển bị thiệt hại nặng nề.

Theo các báo cáo thiệt hại khác từ Menton, gần biên giới với Ý, Saint-Raphaël và Cavalaire, nhân viên chính phủ thở phào nhẹ nhõm vì không có tổn thất. Chỉ có một người ở thị trấn Eze bị thương, trong khi đó các dịch vụ cấp cứu cho biết họ đã giải cứu vài người trên biển, trong đó có một cô bé 11 tuổi người Úc đi thuyền một mình.

Thường thì tháng 5 bắt đầu cho những tháng hè rực rỡ ở miền nam nước Pháp, nhưng năm nay lai có gió lên đến 75 dặm/giờ gần dãy Pyreenes và gián đoạn các chuyến bay ra khỏi Montpellier. Hôm qua 5/5, tuyết đã rơi ở Carcassonne trước sự sửng sốt của cư dân thị trấn tây nam.

Liên hoan phim Cannes 2010: những phim đáng xem

Ngày: 6/5/2010
Nguồn: Telegraph
Người dịch: tnmkhanh @ DienAnh.Net


Năm phim nên tìm xem ở Liên hoan phim Cannes năm nay.


Đạo diễn phim người Anh Mike Leigh (Ảnh: EPA)

“Copie Conforme”

Nhà làm phim bậc thầy người Iran Abbas Kiarostami lấy bối cảnh cho bộ phim mới có dàn diễn viên hấp dẫn tại vùng Tuscany, nơi một cô chủ phòng tranh (Juliette Binoche thủ vai) chạm mặt tác giả người Anh (nam diễn viên có giọng nam trầm William Shinell thủ vai) ở một hội nghị văn học. Có vẻ rất giống “Garden of Eden”.

“Biutiful”

Diễn viên không thể so sánh Javier Bardem tham gia phim đầu tiên do đạo diễn Alejandro González Iòárritu người Mexico (từng làm “Amores Perros”, “Babel”) từ khi anh và nhà biên kịch sáng chói của mình Guillermo Arriaga đường ai nấy đi. Chuyện phim kể về một viên cảnh sát đối mặt với người bạn thời thơ ấu về những giao dịch bất hợp pháp của anh này.

“Another Year”

Đạo diễn người Anh Mike Leigh, từng đoạt một giải Cành cọ vàng cho phim “Secrets and Lies”, quay lại Cannes với một phim chính kịch có dàn diễn viên từ đoàn kịch không chính thức của ông: trong số đó có Lesley Manville, Jim Broadbent, Imelda Staunton và Phil Davis.

“Socialisme”

Huyền thoại người Pháp Jean-Luc Godard đã trở lại – tên tuổi dẫn đầu trong số bảy đạo diễn của phim nhiều nghĩa này. Sáu đoạn giới thiệu phim dài tổng cộng 17 phút đã có trên mạng, nhưng không hé lộ nhiều về chủ đề phim – trừ việc phim lấy một phần bối cảnh trên du thuyền và có ca sĩ Patti Smith trong dàn diễn viên.

“Fair Game”

Sean Penn và Naomi Watts tham gia phim hình sự về chính trường Mỹ này, dựa trên hồi ký của điệp viên CIA đã công khai danh tính Valerie Plame. Điều kỳ thú là phim được nhà viết kịch người Anh Jez Butterworth (từng viết vở “Jerusalem”) và người em John Henry chuyển thể lên màn ảnh.

Liên hoan phim Cannes 2010: một tầm nhìn thế nào là điện ảnh đích thực


Nguồn: Telegraph
Ngày: 7/5/2010
Dịch: xuka-1986 @ DienAnh.net

Như thường lệ, Liên hoan phim Cannes được xác định bằng sự hào nhoáng


Liên hoan phim lớn nhất thế giới – và là một thách thức với bộ máy của Hollywood – là tâm điểm của mọi sự phô trương ngông cuồng ở Cannes.

Đối với rất nhiều người, Liên hoan phim Cannes năm nay chủ yếu là cái cớ để trố mắt nhìn tin tức trên truyền hình, tạp chí và các báo về hàng dài những người nổi tiếng khệnh khạng diễu trên thảm đỏ trong 10 ngày chiếu phim. Đối với các tay săn ảnh thì họ theo sát bước chân của các ngôi sao, bán được nhiều bức ảnh và có những ngày bội thu.

Với những ai sống ở vùng Riviera của Pháp, đó là một buổi chiều vui tươi đầy nắng, tò mò về các ngôi sao và đắm chìm trong không khí đặc biệt trên đại lộ Croisette. Những nhà cung cấp hàng hóa xa xỉ (những bộ cánh thời trang, mỹ phẩm, những chai whisky với giá cao ngất ngưởng) tận dụng Cannes làm nền cho những quảng cáo hoang phí về hàng hoá của họ. Và một số người đơn thuần coi đây là phẩn bổ sung vui vui cho lý do thực sự của việc họ đang ở vùng phụ cận: Monte Carlo Grand Pix.

Nhưng trên đây chỉ là những vấn đề ngoài lề: trung tâm của tất cả những sự kiện rầm rộ này là một liên hoan phim lớn nhất thế giới. Như thường lệ, Cannes được xác định bằng sự hào nhoáng và có một nhận thức rộng rãi cho rằng đó là sự kiện xấc xược, thô tục và tầm thường. Điều đó cũng không hẳn là không đúng: Chưa có năm nào ở Cannes mà lại không cảm thấy bực bội bởi những tiếng ồn ào không ngớt của những quảng cáo cường điệu và khó chịu. Nhưng nhìn từ xa, thì đó là một phần nhỏ bé của bức tranh lớn hơn.

Rốt cuộc là: còn ở nơi nào khác cho bạn có cái đặc quyền là một trong những người đầu tiên trên thế giới được xem những tác phẩm mới nhất của các nhà làm phim xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới không?

Bạn thấy đấy, những gì Cannes mang đến những vị khách yêu thích phim là một tầm nhìn về thế nào là điện ảnh đích thực – mang tính quốc tế thật sự, với tài năng, cảm hứng và tính độc đáo là tiêu chuẩn duy nhất, chứ không phải là một người theo thuyết chủ bại xuôi theo nhịp điệu băng chuyền của cơ chế Hollywood.

Ứng viên tranh giải Cành cọ vàng năm nay bao gồm các phim từ Hàn Quốc, Ukraine, Hungary và Thái Lan. Peru và Đài Loan là đại diện tham gia ở hạng mục "Un Certain Regard" (tạm dịch: "Một cái nhìn khác"). Do được lựa chọn tham dự Liên hoan phim Cannes, những bộ phim này có khả năng sẽ được khắp thế giới biết đến. Hầu hết các phim đó có thể được phát hành ở Anh; nếu không tham dự Liên hoan phim Cannes, hầu như các phim này sẽ không được điều đó.

Và một bộ phim tham gia Liên hoan phim Cannes sẽ ngân lên hồi chuông với những nước còn lại, nền văn hóa điện ảnh đáng kinh ngạc ở các nước không có mấy khả năng thắng giải: Mexico, Romania và Argentina những năm gần đây đã trờ thành nước hưởng lợi từ quá trình này.

Cũng như ở Anh, Cannes giúp duy trì sự khác biệt, tài năng độc đáo, mặc dù không nhất thiết là các nhà sản xuất phim chính thống. Cứ hỏi người đã từng đoạt giải Cành cọ vàng Ken Loach (đạo diễn phim “The Wind that Shakes the Barley”) hoặc Mike Leigh (đạo diễn “Secrets and Lies”, và giờ đang tham gia liên hoan phim với “Another Year”). Việc Cannes công nhận họ là đạo diễn đẳng cấp thế giới đã giúp phim của họ nhận được nguồn tài trợ từ các quỹ bên ngoài nước Anh.

Nữ diễn viên người Anh Andrea Arnold, một diễn viên tài năng khác, cũng nhận được danh hiệu đạo diễn đẳng cấp kể từ hai bộ phim điện ảnh đầu tay của cô, “Red Road” và “Fish Tank”, được cho là xứng đáng tranh giải Cành cọ vàng năm nay. Anton Corbijn là một ví dụ hay khác: ông từng là đạo diễn một phim âm nhạc trước khi phim “Control” nhận được ba đề cử ở Liên hoan phim Cannes ba năm trước; hiện tại ông mới hoàn thành “The American”, với George Cloooney trong vai một sát thủ.

Có thể sẽ chỉ có một phim Mỹ tham gia tranh giải thưởng cao nhất liên hoan năm nay (“Fair Game”, một phim hình sự chính trị với sự tham gia của Naomi Watts và Sean Penn)., nhưng phim mở màn ở liên hoan năm nay là bom tấn “Robin Hood” của Ridley Scott, với Russel Crowe và Cate Blanchett trong vai chính. Rất nhiều ngôi sao tụ họp ở đó để thu hút đám đông và quảng bá cho liên hoan phim và cho bộ phim. Tuy nhiên, “Robin Hood” không phải là bộ phim mọi người mong đợi đoạt giải hay nhất tại Cannes tháng này, được trình chiếu không tranh giải. Một nét chấm phá tao nhã, với lợi ích tích cực dành cho tất cả.

Đạo diễn châu Á hy vọng tạo được tiếng tăm toàn cầu tại Liên hoan phim Cannes



Nguồn: Earth Times
Người dịch: Tiểu Mi @ DienAnh.Net


Hướng về Liên hoan phim Cannes sắp diễn ra tháng này, nền điện ảnh châu Á hy vọng sẽ tiến những bước dài như nhiều năm qua trong ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu.


Với một loạt tác phẩm điện ảnh ấn tượng của nhiều đạo diễn châu Á bao gồm cả bộ phim giới thiệu những hạng mục hàng đầu, các ngôi sao của châu lục có nền điện ảnh đang phát triển mạnh mẽ này sẽ một lần nữa tham gia vào sự tranh đua hấp dẫn trên tấm thảm đỏ nổi tiếng của Liên hoan phim Cannes.

Trong số đó gồm những diễn viên hạng A như Lee Jung Jae và Jeon Do Yeon của Hàn Quốc. Được giới truyền thông châu Á phong cho danh hiệu Nữ hoàng Cannes, ngôi sao 38 tuổi Jeon Do Yeon đã giành được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn trong bộ phim “Tia nắng bí mật” của đạo diễn Lee Chang Dong cách đây ba năm.

Tuy nhiên, dù ngày càng được thế giới công nhận, nền công nghiệp điện ảnh châu Á vẫn phải đối mặt với nguy cơ thực tế về sự xuất hiện việc phân chia giữa các phim nhận được lời khen ngợi từ giới phê bình tại các liên hoan phim như Cannes, và các phim tạo được tiếng tăm từ doanh thu phòng vé nội địa.

Vương Khánh Thương, thuộc Liên hoan phim Hồng Kông cho biết: “Đó là một nền điện ảnh không đồng nhất. Xét trên bình diện quốc tế, hiện đang giảm sút số lượng nhỏ các đạo diễn châu Á tên tuổi từng nổi danh tại các liên hoan phim.”

Đạo diễn người Philippines Brillante Mendoza đã đạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim năm 2009 với tác phẩm “Kinatay” (Thảm sát), trong khi đạo diễn Park Chan Wook của Hàn Quốc được trao giải đặc biệt của Ban Giám khảo với “Thrist” (Khát), và Mai Phong đến từ Trung Quốc cũng ra về với giải Biên kịch xuất sắc nhất dành cho phim “Cơn sốt mùa xuân”.

Trên bước đường trở lại đại lộ danh tiếng Croisette của Cannes, nữ diễn viên Jeon Do Yeon vào vai một phụ nữ nham hiểm quyến rũ trong “The Housemaid”, bộ phim do Im Sang Soo đạo diễn được làm lại từ tác phẩm điện ảnh ly kì cùng tên vào năm 1960 của Kim Ki Young.

Lee Chang Dong đến từ Hàn Quốc cũng trở lại Cannes với “Poetry”, bộ phim truyền hình có sự tham gia của biểu tượng điện ảnh thập niên 60 Yun Yoeng Hie trong vai một phụ nữ tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời khi phải đấu tranh với căn bệnh Alzheimer.

Xuất hiện khi nền điện ảnh Hàn Quốc dần nổi lên từ cuộc khủng hoảng do sản xuất quá nhiều và gia tăng ngân sách, các bộ phim của hai đạo diễn Hàn Quốc được xem như dẫn đầu nhóm các nhà làm phim tài năng của châu Á tại liên hoan phim hàng đầu thế giới.

Trung Quốc đã khẳng định được vị trí của mình vào phút cuối cùng tại các hạng mục uy tín hàng đầu của Liên hoan phim Cannes, với việc bộ phim “Nhật chiếu Trùng Khánh” của đạo diễn Vương Tiểu Soái được chọn tham gia cuộc tranh đua giành giải thưởng đáng mơ ước: giải Cành cọ vàng.

Với những bộ phim thường tập trung miêu tả sự thay đổi đột ngột trong đời sống đô thị hiện đại tại Trung Quốc, tác phẩm mới của đạo diễn Vương xoay quanh câu chuyện về quá trình người cha điều tra về cái chết của đứa con trai bị bệnh tâm thần.

Đạo diễn Vương Tiểu Soái có tên trong danh sách đề cử giải Cành cọ vàng năm năm sau khi nhà làm phim 43 tuổi này giành giải đặc biệt của Ban Giám khảo tại Liên hoan phim Cannes với tác phẩm “Thanh Hồng” (Giấc mơ Thượng Hải) kể về những nỗ lực trở về quê nhà Thượng Hải của một gia đình.

Từ đó, nền điện ảnh Trung Quốc bắt đầu có sự thay đổi đáng kể khi ngành công nghiệp quốc gia phát triển, và khi các nhà làm phim thử nghiệm nhiều thể loại mới cùng với việc bắt kịp các ảnh hưởng từ những truyền thống làm phim của phương Tây.

Đạo diễn Trung Quốc kỳ cựu Trương Nghệ Mưu cho biết: “Các thể loại phim hiện nay rất đa dạng, không như cách đây 10 hoặc 20 năm khi nền điện ảnh Trung Quốc vô cùng bị hạn chế. Ngày nay có rất nhiều đạo diễn với nhiều phong cách làm phim khác nhau.”

Trương Nghệ Mưu cũng bày tỏ lòng tin về việc cơ quan kiểm duyệt Bắc Kinh sẽ có nhiều dấu hiệu thay đổi: “Trung Quốc hiện đang mở cửa.”

Nhà làm phim 58 tuổi chia sẻ: “Điều chắc chắn là có rất nhiều hạn chế tại thời điểm cách đây 20 năm. Là một đạo diễn nhưng bạn không thể làm theo ý mình vì phải suy nghĩ về loại cốt chuyện nào bạn có thể truyền đạt.”

Hơn nữa, với nhiều rạp phim được mở mỗi ngày trên khắp Trung Quốc, nhiều nhà làm phim trong nước tin là việc tạo ra lợi nhuận sẽ ngày càng khẩn trương hơn.

Đạo diễn hàng đầu Trung Quốc Vương Toàn An cho biết: “Môi trường thay đổi đã tạo ra một vấn đề thực sự cho điện ảnh Trung Quốc.”

Ông nói: “Không có quá nhiều cơ quan kiểm duyệt. Vấn đề quan trọng là các nhà phân phối và ngay cả thị trường đang ngày càng trở nên thực dụng hơn.”

Liên hoan phim Cannes năm nay đánh dấu sự quay trở lại của đạo diễn phim "độc" người Nhật Takeshi Kitano với thể loại phim về những tay anh chị giang hồ bằng việc trình chiếu tác phẩm ly kì bạo lực “Outrage” của ông.

Nổi tiếng với phong cách diễn xuất “tỉnh như không”, nhà làm phim kỳ cựu cũng vào vai chính trong “Outrage”, bộ phim đầu tiên xoay quanh chủ đề Yakuza (mafia Nhật Bản) trong hơn một thập kỷ qua của vị đạo diễn 63 tuổi này.

Đạo diễn người Thái Apichatpong Weerasethakul cũng trở lại Liên hoan phim Cannes với “Loong Boonmee Raluek Chaat” (Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives), tác phẩm do những bài thuyết giảng của một nhà sư đạo Phật truyền cảm hứng.

Vị đạo diễn 39 tuổi đã nhận được nhiều sự quan tâm tại các Liên hoan phim trên thế giới trong nhiều năm qua và đạt giải đặc biệt của Ban Giám khảo tại Liên hoan phim Cannes năm 2004 với “Tropical Malady”, tác phẩm nói về tình yêu đồng tính và chuyến đi tìm con hổ bị thay đổi hình dáng.

Hai năm trước đây, vị đạo diễn người Thái đã đạt giải tại hạng mục Un Certain Regard (Một góc nhìn) của Liên hoan phim Cannes với “Blissfully Yours” (Sung sướng được là của nhau).

Phim hình sự “Chatroom” tạo tiếng vang ở Cannes cho diễn viên Aaron Johnson, ngôi sao của “Kick-Ass”


Ngày: 9/5/2010
Nguồn: Guardian
Dịch: xuka-1986 @ DienAnh.net


Phim kinh dị mới của Aaron Johnson là một trong những phim được mong đợi công chiếu tại Croisette.

Trong phim kinh dị mới "Chatroom", Aaron Johnson, hình trên, điều khiển một nhóm bạn trên mạng


Ngôi sao điện ảnh tuổi "teen" Aaron Johnson, làm mới mình từ thành công của vai diễn siêu người hùng trẻ tuổi trong “Kick-Ass”, sẽ bay tới Cannes vào thứ sáu ngày 14/5 cho buổi ra mắt bộ phim hình sự dự đoán sẽ là một trong những phim gây nhiễu loạn nhất của liên hoan phim.

Nam diễn viên thủ vai phản diện trung tâm trong “Chatroom”, kẻ đầu tiên trong một nhóm giết người trên mạng, phim do Hideo Nakata đạo diễn, đạo diễn loạt phim kinh dị “Ring”.

Bộ phim kể về một nhóm thanh niên bất mãn kết bạn với nhau trong một phòng chat trên internet trước khi tham gia vào một trò chơi tâm thần nguy hiểm do Johnson điều khiển.

Được chuyển thể từ vở kịch cùng tên năm 2005 của nhà soạn kịch người Ireland Enda Walsh, bộ phim tái tạo lại thế giới lừa đảo của với hiện thực ảo bằng cách cho những nhân vật chính chỉ liên lạc với nhau qua mạng.

“Rất nhiều người nói rằng họ thấy phim khá là rùng rợn,” Laura Hasting-Smith, nhà sản xuất phim, phát biểu. “Vở kịch là điểm khởi đầu, nhưng phim thì đã được biến đổi.”

Hastings-Smith giải thích bộ phim thì phức tạp hơn vở kịch và có nhiều hành động hơn. “Trong kịch bản thì không có những hoạt động offline, nhưng ở phim “Chatroom” thì có,” cô nói. “Enda thực sự là một nhà biên kịch tuyệt vời, nhưng nỗi sợ hãi mà bạn cảm nhận được từ bộ phim, tôi nghĩ là từ sự đạo diễn của Hideo.”

Nakata nổi tiếng với bộ phim Nhật “Ringu” năm 1998, sau đó được làm lại phiên bản tiếng Anh, đã chuyển sang đạo diễn một trong những phim hàng đầu của thể loại phim kinh dị Nhật Bản.

“Bạn có một nhóm thanh niên gặp gỡ nhau trên mạng và kết bạn,” Hastings-Smith nói. “Họ bị cuốn hút bởi một nhân vật hấp dẫn, William. Họ nghĩ họ biết anh ta là ai, nhưng anh ta không phải là người mà họ tưởng tượng. Anh ta được coi là kẻ yếu nhất trong nhóm và chỉ khi gần quá muộn họ mới nhận ra động cơ thật của hắn.”

“Chatroom” được hãng Film 4 bỏ vốn một phần, còn có sự tham gia của các nữ diễn viên đang lên Imogen Poots và Hannah Murray, cùng với Matthew Beard, lần gần đây nhất xuất hiện trên phim là một học sinh nam theo đuổi bạn gái nhưng bị từ chối trong “An Education”.

Đối với Johnson, sẽ bước sang tuổi 20 mùa hè này, thì chuyến đi tới Cannes sẽ là mốc kết thúc cho một năm đặc biệt. Khi tham dự liên hoan phim năm ngoái anh mới chỉ là một diễn viên thiếu niên, nhưng mối quan hệ của anh với nghệ sĩ và đạo diễn đương thời Sam Taylor-Wood, hơn anh 24 tuổi, nhanh chóng đảm bảo tên tuổi của anh trở nên nổi tiếng.

Cặp đôi lần đầu tiên xuất hiện công khai cùng nhau tại bữa tiệc Cannes được tổ chức để kỷ niệm việc hoàn thành bộ phim điện ảnh đầu tiên của Taylor-Wood, “Nowhere Boy”, trong phim nam diễn viên này thủ vai John Lennon thời trẻ. Kể từ đó Johnson không chỉ tham gia “The Greatest” và “Kick-Ass”, anh còn đính hôn với Taylor-Wood. Vị hôn thê của anh sẽ không tham dự Liên hoan phim Cannes lần này cùng anh, tuy nhiên, cặp đôi đang mong đợi đứa con đầu tiên sẽ ra đời vào tháng tới. Taylor-Wood có hai cô con gái, một ba tuổi, và một 13 tuổi, kết quả cuộc cuộc hôn nhân với chủ một phòng trưng bày có tiếng Jay Jopling và là nhân vật đứng đầu của nhóm Nghệ sĩ trẻ ở Anh (YBA), cùng với Damien Hirst và Tracey Emin.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, cô chỉ trích sự chú ý thái quá về khoảng cách tuổi tác trong mối quan hệ giữa cô và Johnson, cô nói rằng đàn ông với những phụ nữ trẻ hơn nhiều tuổi không phải chịu những soi mói như vậy.

“Tại sao không ai nói gì về điều đó? Đó hoàn toàn là thành kiến về giới tính,” cô nói. “Tôi cố phớt lờ chuyện người ta nói gì. Trong cuộc sống của mình, tôi chưa bao giờ thực sự lắng nghe khi người ta bắt đầu ấn định ý kiến về việc ai nên làm như thế nào.”

“Chatroom” sẽ được công chiếu ở hạng mục "Un Certain Regard" (tạm dịch: "Một cái nhìn khác").

Sự rối loạn của thị trường, tro bụi, và bão táp đã che phủ lên Cannes


Ngày 9/5/2010
Nguồn: Yahoo Movies
Dịch: nhocconlilac @ DienAnh.Net


London (Reuters) – Như thường lệ, Liên hoan phim Cannes năm nay đem đến sự pha trộn giữa những nhà làm phim ít tiếng tăm và các ngôi sao hạng A của Hollywood, và cho dù hoành tráng và nhộn nhịp nhưng cuộc khủng hoảng tài chính vẫn sẽ lấy đi ít nhiều hào nhoàng của sự kiện điện ảnh hàng đầu thế giới này.

Và theo sau một công cuộc quét dọn vào phút cuối tại khu nghỉ dưỡng cao cấp French Riviera do những cơn bão gây ra vào tuần trước, các nhà tổ chức hiện giờ lại đang rất bực bội vì sự gián đoạn trong các cuộc hành trình đến Cannes do các chuyến bay ở các khu vực khác của châu Âu đều đang bị mắc kẹt vì tro bụi núi lửa.

Liên hoan phim sẽ khai mạc vào thứ tư 12/5 với sự công chiếu bộ phim “Robin Hood” do Russell Crowe và Cate Blanchett đóng vai chính, một sự mở màn long trọng đặc trưng cho sự kiện còn nhằm đấu tranh cho những tác phẩm điện ảnh gai góc có kinh phí thấp đến từ mọi miền trên thế giới.

Trong 11 ngày tới đây, các nghệ sĩ nổi tiếng và không nổi tiếng lắm sẽ cùng bước trên và ngắm nhìn tấm thảm đỏ, kiểm tra thể lực của mình tại những buổi tiệc tùng nối tiếp nhau, nhồi nhét trong những phòng chiếu tối om và lùng sục xem xét thị trường phim to lớn này cho những cuộc mặc cả.

Trong khi những ông chủ của các hãng phim trong khu nghỉ dưỡng xa xỉ có thể cân nhắc về tình trạng của nền kinh tế được mở rộng và nó có ý nghĩa gì đối với việc cung cấp vốn sản xuất phim, thì có một số tên tuổi lớn nhất trong ngành kinh doanh lại xem Cannes là một bánh răng quan trọng trong cỗ máy quảng cáo tuyên truyền.

“Cannes rất tốt cho điện ảnh,” đạo diễn Oliver Stone, người đã đem phần tiếp theo của bộ phim về tài chính “Wall Street” (1987) đến liên hoan phim năm nay, đã nói.

“Đây là một cơ hội lớn vì nếu không có lẽ chúng ta đã xuất hiện chỉ là đề thêm vào một bộ phim nữa trong dòng điện ảnh đông đúc này mà thôi,” Ông đã trả lời phóng viên của Reuters trong một cuộc phỏng vấn. “Thật tuyệt khi có được vinh dự và tham gia vào một sự kiện như thế.”

“Wall Street: Money Never Sleeps”, bộ phim mà Michael Douglas lại một lần nữa vào vai một kẻ thôn tính công ty tàn nhẫn Gordon Gekko, sẽ nằm trong những chủ đề được quan tâm nhất tại liên hoan phim 2010, tập trung vào nạn tham nhũng và lòng tham tại những ngân hàng lớn nhất của thế giới.

Thế nhưng, giống như “Robin Hood” của Ridley Scott và bộ phim mới nhất của Woody Allen có tựa đề “You Will Meet a Tall Dark Stranger”, đây không phải là một trong 18 phim sẽ có mặt trong hạng mục cạnh tranh để có thể đoạt được giải thưởng do ban giám khảo, đứng đầu là đạo diễn Tim Burton, quyết định.

Những nhân vật nặng ký của thế giới

Những tên tuổi đã có và những tên tuổi đang lên trong nghề làm phim hiện đang chen vai nhau trong danh sách các phim tranh giải chính, đưa Abbas Karostami của Iran và Mike Leigh của Anh so tài với những niềm hy vọng của nước chủ nhà Mathieu Amalric và Xavier Beauvois.

Trong số các phim được trông đợi nhất là một tựa đề của Mỹ “Fair Game”, dựa trên câu chuyện có thật về một đặc vụ CIA tên là Valerie Plan, với diễn viên chính Sean Penn, và “Burned By The Sun 2”, phần tiếp theo của tác phẩm nổi tiếng năm 1994 của Nikita Mikhalkov nói về nỗi kinh hoàng dưới chính sách đàn áp của Stalin.

Nhà làm phim mang hai dòng máu Pháp – Angerie Rachid Bouchareb đã cho ra mắt “Outside The Law”, bộ phim nói về cuộc đấu tranh chống Pháp giành độc lập của người Angerie, và còn có “Biutiful” của Alejandro Gonzalez Inarritu đến từ Mexico với diễn xuất của diễn viên từng đoạt giải Oscar Javier Bardem.

Châu Á được đại diện bởi các phim đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi các nước Tchad và Ukraina cũng tham gia tranh giải Cành cọ vàng dành cho phim xuất sắc nhất, năm ngoái giải thưởng này đã thuộc về phim “The White Ribbon” của Michael Haneke.

Nhấn mạnh thêm sức hấp dẫn của Cannes, Mick Jagger của ban nhạc Rolling Stones được hy vọng sẽ xuất hiện cùng với bộ phim tài liệu “Stones In Exile”, nói về quá trình thu âm album “Exile On Main Street” của ban nhạc dự kiến sẽ được tái phát hành trong tháng này.

Các nhà phê bình nhìn chung là ấn tượng với danh sách phim tham dự năm nay, cho dù một vài người còn băn khoăn là liệu nó có thể tạo được tiếng vang lớn như liên hoan phim năm ngoái không. Danh sách các phim tham dự năm ngoái gồm có nhiều tác phẩm được đánh giá cao là “The White Ribbon”, “A Prophet” và “Up”, và tác phẩm đầy bạo lực gây tranh cãi “Antichrist” của Lars Von Trier.

Các hãng thông tấn quốc tế hàng đầu thế giới, trong đó có Reuters, đã rút lại lời đe dọa tẩy chay sự kiện này vì vấn đề quyền lợi của giới truyền thông sau khi đã đạt được thỏa thuận với liên hoan phim.

No comments:

Post a Comment